Phát huy lợi thế và đặc thù
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:39, 20/06/2017
Điểm qua kết quả thực hiện có thể thấy rất nhiều điểm đáng chú ý. Mỗi địa phương đều chọn những cách làm riêng, phù hợp với lợi thế và đặc thù. Đan Phượng làm tốt công tác vận động nhân dân, doanh nghiệp. Nhân dân vui vẻ hiến đất, cả đất thổ cư và đất nông nghiệp, hăng hái đóng góp công sức của mình thực hiện chương trình. Huyện Đông Anh coi nâng cao thu nhập cho người dân là giải pháp cốt lõi.
Tại Thanh Trì, nhân dân đóng góp hàng chục tỷ đồng cải tạo môi trường, kè ao hồ; xây dựng, nhân rộng các mô hình: “Làng, xóm sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Nghĩa trang xanh”… Huyện Hoài Đức lại gắn liền với dấu ấn về những công trình giao thông ngõ, xóm. Về tổng thể, các địa phương đều phát huy hiệu quả thế mạnh của địa phương mình.
Trên những vùng quê "cán đích" xây dựng nông thôn mới, xóm làng đã "thay da, đổi thịt" và người dân hoàn toàn tự hào vì điều đó. Dọc các tuyến đường liên xã, liên thôn, ngõ xóm là những ngôi nhà kiên cố, khang trang. Đường, trường, trạm, nhà văn hóa... đều được cải tạo, xây dựng mới.
Tuy nhiên, để đạt được thành tích đó không đơn giản. Cũng như các huyện trên địa bàn thành phố, khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với bản lĩnh, sự sáng tạo của tập thể cán bộ, sự đồng lòng của nhân dân, nhiều vướng mắc đã được "hóa giải".
Đơn cử, một trong những vướng mắc lớn nhất đối với các địa phương khi xây dựng nông thôn mới là nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án. Trong bối cảnh nguồn ngân sách còn eo hẹp, phát huy có hiệu quả hoạt động xã hội hóa, khơi dậy tiềm năng của người dân và doanh nghiệp là cách mà nhiều địa phương đã thành công.
Hay việc dựa vào lợi thế riêng trên từng lĩnh vực, các địa phương xây dựng các kế hoạch, dự án để triển khai; lựa chọn các nội dung phát huy được thế mạnh. Và hiệu quả từ công tác dồn điền đổi thửa gắn với phát triển mô hình sản xuất mới tại mỗi địa phương, tạo tiền đề ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành những trang trại sản xuất tạo sản phẩm chất lượng ổn định, năng suất cao... Đây là những kinh nghiệm sinh động để các địa phương tham khảo.
Cái đích quan trọng của xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao đời sống người dân. Do vậy, khi có vướng mắc, cán bộ và người dân cần bàn thảo một cách kỹ lưỡng và thống nhất cách làm. Nếu những khâu quan trọng đều nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, đồng thời thể hiện tính công khai, minh bạch, người dân được tham gia giám sát một cách đầy đủ... thì chương trình xây dựng nông thôn mới tại những huyện còn lại nhất định sẽ sớm thành công.