Người bị oan sai được bồi thường dù thiếu hóa đơn, chứng từ

Đời sống - Ngày đăng : 15:47, 20/06/2017

(HNMO) - Với 92,46% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, ngày 20-6, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi).

Các ĐQBH biểu quyết thông qua nhiều dự án luật quan trọng vào cuối kỳ họp.


Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi) gồm 9 Chương, 78 Điều, quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước, thiệt hại được bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả, trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018 với nhiều điểm mới quan trọng được quy định.

Đáng chú ý, để tạo thuận lợi cho người yêu cầu bồi thường, đồng thời giải quyết những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn công tác giải quyết bồi thường đối với các trường hợp khó chứng minh được thiệt hại do thời gian diễn ra quá lâu, Luật đã bổ sung quy định cụ thể về các thiệt hại, chi phí được bồi thường và việc xác định thiệt hại, chi phí.

Trường hợp người yêu cầu bồi thường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với các chi phí quy định thì chi phí được bồi thường không quá 6 tháng lương cơ sở tại thời điểm quy định tại Khoản 2, Điều 22 của Luật này cho 1 năm tính từ thời điểm bắt đầu khiếu nại, tố cáo hoặc tham gia tố tụng cho đến ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

Đối với thiệt hại về tinh thần quy định tại Điều 27, qua thảo luận, nhiều ĐBQH đề nghị, Nhà nước bồi thường, đồng thời tiến hành cải chính, xin lỗi công khai người bị oan mà không cần có yêu cầu của họ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, bên có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên có quyền thực hiện quyền yêu cầu của mình. Quy định cơ quan nhà nước chủ động tiến hành xin lỗi, cải chính công khai mà không cần yêu cầu từ phía người bị oan sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt về quyền nhân thân của người bị oan.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người bị oan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan bổ sung quy định: Khi thụ lý hồ sơ, trường hợp trong văn bản yêu cầu bồi thường không có yêu cầu phục hồi danh dự thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm làm rõ người bị thiệt hại có yêu cầu phục hồi danh dự hay không.

Cũng trong ngày 20-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Chu Dũng