Gập ghềnh xóa bỏ lò gạch nung

Đời sống - Ngày đăng : 06:54, 21/06/2017

(HNM) - Trong khi các địa phương thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội đến cuối năm 2016 phải dừng hoạt động lò gạch cải tiến, thì Sở Xây dựng lại đề xuất: Lò gạch cải tiến, lò vòng trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Chương Mỹ… dừng hoạt động trước ngày 31-12-2016, còn huyện Sóc Sơn, Đan Phượng lại được đề nghị cho tồn tại đến hết năm 2020...

Xóa bỏ sản xuất gạch bằng lò thủ công là xu hướng tất yếu, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh: Linh Ngọc


Nơi xử lý, nơi không…

Ngày 7-6-2013, UBND thành phố có Văn bản số 4101/UBND-XDGT yêu cầu, đến cuối năm 2016, các lò gạch cải tiến phải dừng hoạt động. Đầu năm 2016, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND các huyện, thị xã kiểm tra, xử lý các lò gạch cải tiến, lò vi phạm. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Xây dựng có nhiều công văn đôn đốc huyện Sóc Sơn - điểm "nóng" về vấn đề này, xử lý phá dỡ dứt điểm 4 lò gạch xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, phát sinh năm 2015, tại xã Bắc Phú và Đức Hòa. Đến ngày 30-3-2016, huyện Sóc Sơn đã cắt điện, cưỡng chế phá dỡ từ 30 đến 80% đối với các lò gạch vi phạm.

Tuy nhiên, tháng 10-2016, Sở Xây dựng lại đề nghị UBND thành phố cho phép lò gạch của Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất gạch Đức Hòa (một trong 4 trường hợp trên) được tồn tại và duy trì hoạt động sản xuất, đồng thời đề nghị huyện Sóc Sơn “giữ nguyên hiện trạng và hoạt động” của các lò gạch còn lại. Lý giải cho đề xuất này, ông Nguyễn Nghiêm Định, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Sở Xây dựng cho biết: "Do nhận được đơn kêu cứu và báo cáo của một số chủ lò gạch, đồng thời qua kiểm tra thực tế thấy có nhu cầu vật liệu xây dựng, việc làm cho người lao động, nên Sở đã đề xuất với UBND thành phố tạm dừng xử lý, cho tồn tại"(?).

Theo kế hoạch, huyện Sóc Sơn sẽ tổ chức cưỡng chế lò gạch vi phạm của Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất gạch Đức Hòa vào ngày 14-10-2016. Nhưng do đề xuất của Sở Xây dựng, nên việc cưỡng chế phải tạm dừng. Không đồng tình với việc cùng vi phạm như nhau, nhưng nơi bị xử lý, nơi không, những chủ lò gạch đã bị tháo dỡ công trình ở Sóc Sơn, ngang nhiên đưa lò gạch trở lại hoạt động, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý vi phạm của chính quyền địa phương.

Cần thống nhất trong cách xử lý

Trước đề xuất của Sở Xây dựng với trường hợp của Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất gạch Đức Hòa, UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng có phương án chung cho toàn thành phố để bảo đảm sự thống nhất. Ngày 30-11-2016, Sở Xây dựng có Báo cáo số 388/BC-SXD về lộ trình hoạt động của các lò gạch cải tiến, lò vòng trên địa bàn một số huyện. Theo đó, những lò gạch cải tiến, lò vòng trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Chương Mỹ… được đề xuất dừng hoạt động trước ngày 31-12-2016; những lò gạch cải tiến, quy mô nhỏ tại địa bàn huyện Sóc Sơn, Đan Phượng lại được đề nghị cho tồn tại đến hết năm 2020 (?).

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số huyện, đề xuất trên của Sở Xây dựng chưa công bằng. Ông Nguyễn Việt Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ phân tích: Nhu cầu về vật liệu xây dựng gia tăng, trong khi huyện chưa có nhà máy sản xuất vật liệu không nung. Từ tháng 10-2016, huyện đã nhiều lần đề xuất với Sở Xây dựng và UBND thành phố xem xét, gia hạn thời gian sản xuất đối với các lò gạch cải tiến trên địa bàn huyện đến năm 2020, nhưng chưa được giải quyết.

Tương tự, tại địa bàn huyện Ba Vì, theo Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Ba Vì Lê Văn Quyền: Các lò nằm ở ven bãi sông Hồng, sông Đà, xa khu dân cư. Lượng đất dư thừa từ dự án cải tạo khôi phục sông Tích là nguồn nguyên liệu dồi dào cho các lò gạch nung. Nếu dừng hoạt động của lò gạch, phải chở đất đi đổ nơi khác, sẽ rất lãng phí và tốn kém.

Cá biệt, có những lò gạch chưa đủ thủ tục pháp lý và nằm trong vùng thoát lũ, vi phạm Luật Đê điều, nhưng lại được Sở Xây dựng đề xuất cho tồn tại, như 9 cặp lò gạch cải tiến ở khu bãi Tân Bồi sông Hồng, thuộc địa bàn xã Liên Trung (huyện Đan Phượng). Đáng nói, đề xuất của Sở Xây dựng “trái chiều” với UBND huyện Đan Phượng vì huyện đang chỉ đạo xã Liên Trung xây dựng kế hoạch phá dỡ các lò gạch, phục vụ công tác phòng, chống lụt bão.

Một điều khó hiểu nữa là trong khi đề xuất với thành phố gia hạn cho những lò gạch vi phạm được tồn tại, Sở Xây dựng vẫn có những văn bản gửi UBND các huyện, đề nghị xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Trước tình trạng này, nhiều chủ lò gạch kiến nghị: Nếu đã phá dỡ lò gạch cải tiến, lò vòng thì phải thực hiện đồng đều trên toàn thành phố.

Trước những kiến nghị của nhiều địa phương, ông Nguyễn Nghiêm Định cho biết: “Hiện nay Sở Xây dựng đang rà soát quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, lấy ý kiến thống nhất của sở, ngành liên quan và các địa phương, sau đó Sở sẽ tham mưu UBND thành phố xem xét…”. Trong khi chờ Sở Xây dựng rà soát quy hoạch thì các địa phương đang "xoay như chong chóng" với những đề xuất trong Báo cáo số 388/BC-SXD. Các huyện mong muốn thành phố sớm có chỉ đạo cụ thể, để các địa phương thực hiện dứt điểm việc xóa bỏ, hay gia hạn cho tồn tại các lò gạch cải tiến.

Ánh Dương