Xây dựng hệ thống giao thông công cộng đủ mạnh
Giao thông - Ngày đăng : 07:16, 22/06/2017
Bà Bùi Thị Bình, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai: Cần sự đồng thuận của nhân dân
Tôi rất đồng tình với lộ trình đến năm 2030, cấm xe máy lưu thông ở nội thành. Việc cấm xe máy sẽ giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Đây là hướng đi đúng đắn, nhưng theo tôi chỉ nên hạn chế, cấm ở từng tuyến đường, từng quận, không nên cấm toàn địa bàn. Để giải bài toán ùn tắc, từ nhiều năm nay TP Hà Nội đã triển khai không ít giải pháp như xây dựng cầu vượt tại các nút giao thông lớn; nâng cấp, mở rộng, xây mới nhiều tuyến đường…, nhưng do phương tiện giao thông cá nhân gia tăng, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra. Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân lưu thông trong nội đô là hợp với quy luật phát triển chung, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội. Do vậy, mỗi người dân có phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe máy cần nêu cao trách nhiệm của mình, không nên coi việc cấm xe máy là việc của chính quyền và cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Văn Sự, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì: Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, có tính kết nối
Hạn chế, tiến tới cấm phương tiện giao thông cá nhân vào nội thành để giảm ùn tắc giao thông là một giải pháp mang tính dài hơi. Trước hết thành phố và các cơ quan chức năng cần làm rõ người dân đi làm, vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện nào cho thuận tiện? Thực tế, tại khu vực nội thành Hà Nội có nhiều ngõ, ngách, ô tô vận tải loại nhỏ không đi vào được, phương tiện giao thông công cộng càng khó khăn hơn. Hơn nữa, hiện phương tiện vận tải hành khách công cộng mới dừng lại ở việc chở người, không cho phép chở hàng hóa và cũng chỉ lưu thông ở những tuyến phố lớn. Do vậy, tôi đề nghị, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý phương tiện cá nhân, Hà Nội cần tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, tăng cường tính kết nối để việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi, giảm tối đa chi phí vận chuyển.
Bà Phan Huyền Nga, phường Mai Động, quận Hoàng Mai: Nâng cao chất lượng phương tiện vận tải công cộng
Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở thành phố mới đáp ứng được 14-15% nhu cầu đi lại của người dân. Đó là chưa kể, đa số xe buýt đều sử dụng lâu năm, nhiều xe cũ, nội thất nhếch nhác…, gây mất thiện cảm với người dân. Để thu hút hành khách đi lại trên phương tiện vận tải hành khách công cộng, các đơn vị quản lý, điều hành phương tiện vận tải hành khách công cộng cần thay đổi cách quản lý, đồng thời nâng cấp, thay thế phương tiện cũ bằng phương tiện mới, chất lượng. Ngoài ra, thành phố cần tiếp tục đa dạng hóa phương tiện công cộng như tàu điện trên cao, tàu điện ngầm..., kết nối giao thông thông suốt. Có như vậy, tôi tin rằng không cần cấm thì người dân sẽ chọn phương tiện giao thông công cộng để đi lại.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, tập thể E5, phường Phương Mai, quận Đống Đa: Sớm di dời trường học lớn, bệnh viện ra khỏi nội đô
Theo thống kê mới nhất, TP Hà Nội hiện có khoảng 5,25 triệu xe máy, gần 486 nghìn ô tô và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông... Để hạn chế số lượng phương tiện giao thông, tiến tới cấm xe máy lưu thông tại khu vực nội thành là việc làm không dễ. Sử dụng phương tiện cá nhân là nhu cầu tất yếu do chưa có phương tiện thay thế hoàn toàn. Hơn nữa, mỗi năm trong khu vực nội đô, nhiều công trình nhà ở cao tầng vẫn được “mọc lên” và có rất nhiều trường học, bệnh viện lớn đang hoạt động, điều này đồng nghĩa với việc sức ép dân số, phương tiện giao thông lên hạ tầng đô thị rất lớn. Hạn chế, tiến tới cấm xe máy đi vào khu vực nội thành, theo tôi trước mắt thành phố phải xây dựng được một hệ thống giao thông công cộng đủ mạnh; sớm di chuyển các bệnh viện, trường học ra khỏi khu vực nội đô, đặc biệt là hạn chế cấp phép xây dựng các chung cư cao tầng...