“Chìa khóa vàng” phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Xã hội - Ngày đăng : 06:53, 23/06/2017
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về vấn đề này.
Điều kiện vệ sinh tại các bếp ăn chưa bảo đảm là nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm tập thể. Ảnh: Thái Hiền |
- Trong thời gian gần đây, đã xảy ra một số vụ ngộ độc tập thể, đáng lưu ý nhất là hiện tượng ngộ độc ở các khu công nghiệp. Ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến điều này?
- Ngộ độc thực phẩm có thể do nguyên nhân sinh học, hóa học và lý học, trong đó nguyên nhân sinh học - vi khuẩn gây bệnh - là chủ yếu. Khi chuyển sang mùa hè, trời oi nóng, người mệt mỏi, sức đề kháng giảm trong khi thức ăn dễ bị ôi thiu, biến chất, đó là điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật phát triển. Do vậy, chỉ cần sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm là có thể dẫn đến ngộ độc.
Điều kiện vệ sinh trong các khu chế biến thức ăn, nhất là tại các bếp ăn tập thể thường không bảo đảm. Thường thấy nhất là thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, nguyên liệu tươi sống không an toàn, nấu xong không ăn ngay…, cùng với đó là ý thức tuân thủ yêu cầu về an toàn thực phẩm của người chế biến kém, các thực phẩm có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa… được cung cấp không bảo đảm vệ sinh. Đó đều là yếu tố có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến tình hình an toàn thực phẩm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là giá trị của các suất ăn. Thực tế khảo sát các vụ ngộ độc tập thể trong thời gian vừa qua cho thấy, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là do suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến cho công nhân. Giá trị một bữa ăn của công nhân tại nhiều nhà máy rất thấp, chỉ khoảng 11.000 đến 12.000 đồng/suất. Với số tiền đó, rất khó để có được các loại nguyên liệu thực phẩm tươi ngon, bảo đảm vệ sinh, an toàn.
- Với những vụ ngộ độc thực phẩm, cơ quan chức năng xử lý như thế nào để khắc phục hậu quả, thưa ông?
- Tại các địa phương đều có ít nhất một đội thường trực xử lý tình trạng ngộ độc thực phẩm. Chúng tôi đã liên tục tổ chức các cuộc diễn tập tại các địa phương và những doanh nghiệp lớn có bếp ăn tập thể, trong đó có đưa ra các tình huống về ngộ độc thực phẩm với giả định là có nhiều người mắc. Qua những lần diễn tập đó, những người tham gia sẽ hiểu rằng khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, việc đầu tiên là phải tập trung cho việc vận chuyển, cấp cứu người bị ngộ độc nhằm hạn chế ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người bệnh, đồng thời yêu cầu ngừng sử dụng các loại thực phẩm có liên quan đến bữa ăn nghi ngờ gây ngộ độc, cơ sở cung cấp hoặc chế biến thức ăn phải tạm dừng hoạt động. Khi đó, lực lượng chức năng cần tổ chức điều tra, lấy mẫu thực phẩm, thức ăn liên quan để kiểm nghiệm theo quy trình đã đươc tập huấn để xác định nguyên nhân. Trong quá trình xử lý hậu quả từ các vụ ngộ độc thực phẩm, chúng ta phải chú trọng việc vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm để phòng tránh sự lây lan, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
- Theo ông, chúng ta cần làm gì để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè?
- Để phòng chống ngộ độc thực phẩm hiệu quả thì cần có sự phối hợp của tất cả các bên liên quan. Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong suốt quá trình trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, chế biến, phân phối thực phẩm. Các cấp chính quyền cần chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra những nơi có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm như bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Còn người tiêu dùng thì chỉ mua và sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; cần đặc biệt lưu ý tới hạn sử dụng của sản phẩm, chú ý vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, thực hiện ăn chín, uống sôi, nhất là thực hiện “chìa khóa vàng” để có thực phẩm an toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Cụ thể là giữ vệ sinh để ngăn ngừa thực phẩm bị ô nhiễm; bảo quản riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn chín để tránh ô nhiễm chéo; nấu kỹ thức ăn để diệt hết các vi sinh vật; bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn; sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống an toàn để tránh thức ăn bị ô nhiễm.
- Cục An toàn thực phẩm đã có những biện pháp gì nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, thưa ông?
- Cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn, giáo dục truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành của người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm đôn đốc, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 9-5-2016, về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại các địa phương. Cục An toàn thực phẩm đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm. Khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, các cá nhân và đơn vị có thể gọi điện tới số máy 024.32321556 hoặc 0911811556 để phản ánh. Khi nhận được thông tin, Cục An toàn thực phẩm sẽ nhanh chóng báo cho các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh. Ngoài ra, người dân có thể phản ánh thông tin vi phạm qua email tiepnhan tinvipham@vfa.gov.vn.
- Trân trọng cảm ơn ông!