Nơi những đứa trẻ khát khao hơi ấm cha mẹ
Xã hội - Ngày đăng : 14:37, 23/06/2017
Những đứa trẻ mồ côi từ khi lọt lòng
Trong một chiều hè oi ả, không khí vắng lặng bao trùm khắp các khu nhà của Trung tâm, thi thoảng lại cất lên tiếng trẻ nhỏ khóc, tiếng khóc đến nhói lòng. Tiếng khóc gọi mẹ, tiếng khóc đòi ăn… Rồi tiếng ầu ơ ru trẻ ngủ…
Những đứa trẻ không lành lặn nhưng vẫn vô tư vui đùa, chạy nhảy. Một em nhỏ với đôi chân bị tật đang cầm nắm cơm, khi thấy bóng người, em bỏ cả nắm cơm, tấp tểnh chạy đến, miệng mếu máo gọi “Mẹ, mẹ”. Khi phát hiện không phải mẹ mình, em vội cụp đôi mắt buồn, cúi đầu quay đi…
Ông Phùng Hữu Lợi – Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ với tôi: “Trung tâm đang nuôi dưỡng và bảo trợ 190 trẻ em mồ côi, tàn tật. Số các em nhỏ khỏe mạnh rất ít, chỉ khoảng 20 em. Những em khỏe mạnh được nuôi dưỡng và chuyển đến các trường học để thuận lợi cho việc học tập”.
Chị Nguyễn Thu Nga, cô giáo tại Trung tâm cho biết thêm, đa số trẻ được đưa từ các bệnh viện phụ sản tới đây. Cha mẹ của những đứa trẻ bất hạnh này là những thanh niên trẻ tuổi vì lầm lỡ mà sinh ra các em.
Nằm một chỗ chờ mẹ, ngóng cha
Đến thăm khu nhà của trẻ dưới 5 tuổi, các cô giáo giới thiệu tôi với bé Bảo An và tâm sự: “Đặt cho cháu tên Bảo An chỉ với một hi vọng mong cháu sẽ được bình an và khỏe mạnh.”
Bảo An năm nay đã 4 tuổi, nhưng cơ thể vẫn như một đứa trẻ sơ sinh, nặng vẻn vẹn 5kg. Khi được đưa đến đây, em mới sinh được 1 ngày tuổi, đỏ hỏn và nhỏ xíu, được quấn trong chiếc sơ mi trắng của mẹ. Nghe đâu mẹ của em khi ấy là một học sinh mới 17 tuổi. Bảo An bị bệnh bại não, chân tay teo nhỏ, riêng chiếc đầu to bất thường. Đã 4 năm nay, bé chỉ nằm một chỗ và mới bập bẹ được vài tiếng. Trên cơ thể đáng thương ấy, đọng lại trong ấn tượng bất cứ ai từng gặp bé là đôi mắt lúc nào cũng long lanh như hai giọt nước...
Đã 4 năm rồi, Bảo An vẫn hằng ngày ngóng trông cha mẹ sẽ đến thăm bé dù chỉ 1 lần. Nhưng có lẽ ngay từ khi sinh ra bé vẫn chưa được gặp lại gia đình của mình lần thứ hai. “Đến thăm cháu chẳng có ai, ngoài các sư thầy và nhà báo, phóng viên”, chị Nga cho biết. Liệu Bảo An còn có thể nằm đó chờ cha mẹ mình đến bao giờ khi mà bệnh tật đang hành hạ bé từng ngày, thời gian bé sống có thể cũng chỉ tính bằng ngày...
Cuộc đời nghiệt ngã. Có những người sinh con rồi lại vứt bỏ. Có người mãi chẳng thể có một mụn con. Có những người khỏe mạnh, đầy đủ nhưng không biết trân quý những gì mình đang có. Có những người chỉ mong mình lành lặn chẳng được. Có những người lại muốn từ bỏ cuộc sống của mình...
Lại có những người phải giành giật sự sống từng ngày từng, từng giờ… như Bảo An cùng các em bé khác ở Trung tâm này.
“Chúng tôi hi vọng những mảnh đời, những số phận nơi đây giúp chúng ta soi vào để sống tốt, có trách nhiệm hơn, suy nghĩ chín chắn hơn trước mỗi việc làm để không còn những đứa trẻ mang phận mồ côi, tàn tật” - đó là thông điệp mà ông Phùng Hữu Lợi muốn nhắn nhủ tới những thanh niên trẻ tuổi đang sống buông thả, bất chấp hậu quả.