Bài cuối: Đích đến là thành phố xanh

Đời sống - Ngày đăng : 06:35, 23/06/2017

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã thông tin trong 4 kỳ trước, trong quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, thành phố luôn đặt mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh để cải thiện môi trường, nâng chất lượng cuộc sống của người dân.

Để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện mà cụ thể hơn về vấn đề, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục.

Thủ đô Hà Nội ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Anh Tuấn


Trồng mới kết hợp với bảo tồn cây xanh

- Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển, chăm sóc cây xanh, hướng tới trở thành thành phố xanh. Những giải pháp cụ thể đã, đang và sẽ thực hiện là gì, thưa ông?

- Để cụ thể hóa việc phát triển, bảo tồn cây xanh, với mục tiêu nâng tỷ lệ bình quân cây xanh từ 7,2m2/người lên 10m2/người vào năm 2020, Thành ủy Hà Nội đã có Chương trình 06-CTr/TU ngày 29-6-2016 về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại”. UBND thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản và thường xuyên theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo trực tiếp tại các hội nghị giao ban, các cuộc họp với sở, ngành, địa phương. Từ đó, các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ động nghiên cứu, đề xuất tham mưu giải pháp, chương trình tăng diện tích cây xanh...

Để đa dạng nguồn vốn phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, thành phố đã thực hiện xã hội hóa, kêu gọi đầu tư. Điển hình như chương trình trồng 1 triệu cây xanh được nhiều cơ quan, đơn vị hưởng ứng đã giảm thiểu chi phí cho ngân sách. Cùng với đó là tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân sự, sử dụng công nghệ - máy móc chuyên ngành hiện đại; tổ chức trồng, chăm sóc cây hợp lý theo thời kỳ; hợp tác với các đơn vị có năng lực, khoa học kỹ thuật hiện đại trong và ngoài nước để học tập, chuyển giao công nghệ; xây dựng các vườn ươm trồng và cung cấp giống cây.

Đặc biệt, thành phố tăng cường tuyên truyền việc gìn giữ, bảo tồn cây xanh; tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý, các hội nghề nghiệp và nhân dân, để tìm phương án phát triển cây xanh phù hợp nhất. Song song, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm, xâm hại cây xanh.

- Trong quá trình triển khai thực hiện không ít dự án hạ tầng có ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh hiện hữu. Vậy quan điểm của thành phố giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Lãnh đạo thành phố đã nhiều lần khẳng định, quan điểm nhất quán trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trường hợp ảnh hưởng cây xanh trong phạm vi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, phải tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu, với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển, hạn chế tối đa việc chặt hạ dù có thể phát sinh chi phí. Quan điểm của thành phố là trước khi đưa ra quyết định, phải lấy ý kiến tư vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân để có giải pháp hiệu quả, phù hợp nhất.

- Việc đầu tư thiết bị hiện đại để phục vụ chăm sóc cây xanh đã đem lại hiệu quả thế nào, thưa ông?

- Trong những năm qua, thành phố đã đầu tư nhiều thiết bị chuyên dụng để quản lý, duy trì hiệu quả hệ thống cây xanh, tạo sự thay đổi căn bản. Ví dụ trước đây, mỗi năm Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa 3.000 - 5.000 cây thì khi có thiết bị, năm 2016 đã cắt sửa gần 50.000 cây, gấp 10-15 lần. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, công ty đã cắt cành khô, cành sâu mục hơn 16.000 cây các loại.

Đặc biệt, khi sử dụng trang thiết bị hiện đại đã bảo đảm an toàn, giảm sức lực cho người lao động, giảm chi phí và công việc đạt hiệu quả cao hơn…

Đồng bộ hóa chủng loại cây xanh, tạo điểm nhấn trên từng khu phố

- Có một thực tế là nhiều nơi vẫn tồn tại những loại cây không phải cây đô thị, do người dân tự trồng, dễ gãy, đổ khi mưa, bão gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Theo ông, phải ứng xử thế nào với tình huống này?

- Trước hết, thành phố đã có danh mục cây xanh đô thị và sẽ tuyên truyền, khuyến khích trồng đúng loại cây trong danh mục. Cùng với đó, rà soát, phân loại, nếu để tồn tại phải có giải pháp tăng sức chịu gió bão, giảm khả năng gãy đổ (như chống đỡ, tỉa cắt cành giảm tán,…) bảo đảm cây không còn nguy hiểm. Trong trường hợp bất khả kháng, cây nguy hiểm gây hại trực tiếp tới tài sản, sức khỏe con người thì đề xuất giải pháp thay thế trên cơ sở công khai, lấy ý kiến các nhà khoa học, nhân dân.

- Việc trồng cây xanh trên nhiều tuyến phố với thiết kế nhiều tầng cây vừa bảo đảm bóng mát, vừa bảo đảm mỹ quan đô thị trên nhiều tuyến phố được dư luận đánh giá cao. Sắp tới, việc này có được triển khai đồng bộ không, thưa ông?

- Trong 5 tháng đầu năm 2017, thành phố đã trồng được 20.469 cây các loại trên 68 tuyến phố, gồm nhiều chủng loại. Cùng với đó, các quận, huyện đã trồng 117.463 cây bóng mát. Trong 6 tháng cuối năm, sẽ tiếp tục trồng cây trên các tuyến phố, ven quốc lộ, tỉnh lộ với mục đích phủ xanh, tạo cảnh quan, giúp cải thiện môi trường, dự kiến cả năm 2017 trồng khoảng 430.000 cây.

Đối với các dự án trồng mới, ngoài yếu tố đa dạng chủng loại, cây được thiết kế 3 - 4 tầng, nhằm tạo nên một hệ thống cảnh quan đẹp, hiện đại, phù hợp và đồng bộ với các dự án trên trục đường; đặc biệt, tạo dấu ấn và nét đặc trưng riêng cho từng tuyến phố. Ví dụ, hai bên hè đường Võ Chí Công cây giáng hương là chủ đạo, dải phân cách giữa là cây chiêu liêu, cọ dầu…; đường Võ Nguyên Giáp gắn với cây long não, dải phân cách giữa có cây chà là, ban trắng, ban tím...

Với các tuyến phố, sẽ tiếp tục trồng cây xanh hướng đến việc thống nhất về chủng loại, mỗi khu phố khác nhau sẽ có một loài cây hay nhóm loài cây khác nhau để tạo nét đặc trưng, tạo lập hệ thống cây xanh đồng bộ, đa dạng sinh học. Thành phố sẽ nâng cấp đầu tư chiều sâu cũng như duy trì hệ thống cây xanh, mặt nước hiện hữu; kết hợp hài hòa giữa cây xanh, cây hoa, cây cảnh, vườn hoa, công viên, tạo nên bản sắc riêng của Hà Nội.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Gia Khánh