Quy định chụp ảnh chủ thuê bao di động: Người dùng băn khoăn, nhà mạng bối rối
Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 23/06/2017
Người dân băn khoăn về an toàn thông tin cá nhân khi đăng ký thuê bao di động bị buộc phải chụp ảnh. Ảnh: Tự Trung |
Đăng ký sai thông tin phải chụp ảnh
Trao đổi với Báo Hànộimới ngày 20-6, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết, thực tế trong Thông tư 04/2012 /TT-BTTTT do Bộ TT-TT ban hành này 13-4-2012, quy định về quản lý thuê bao di động trả trước cũng đã có yêu cầu khách hàng phải đăng ký giấy tờ tùy thân (chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu). Quá trình thực hiện cho thấy, lượng thuê bao không chính xác chiếm đa số (số liệu của Bộ Công an, cả nước có 120 triệu thuê bao thì 75% là đăng ký thông tin không chính xác). Vì vậy, Nghị định 49 ra đời nhằm quy định chi tiết hơn việc bảo đảm chính xác thông tin thuê bao, đặc biệt là việc có ảnh chụp (lưu giữ ngày, giờ chụp) là để chứng tỏ giao dịch là có thật.
“Theo quy định của Nghị định 49, chỉ có những thuê bao hòa mạng mới, những thuê bao mà doanh nghiệp bảo đảm được việc đăng ký thông tin trước đó là hoàn toàn chính xác sẽ không phải chụp lại ảnh và nhà mạng có trách nhiệm tự cập nhật thêm ảnh chụp trong cơ sở dữ liệu đã có của doanh nghiệp vào hệ thống. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động có trách nhiệm cung cấp đầu số để khách hàng nhắn tin kiểm tra về tình trạng thông tin thuê bao của mình đã bảo đảm hay chưa, và nếu chưa chính xác sẽ phải đi đăng ký lại từ đầu" - Ông Trung nêu rõ.
Cũng theo ông Trung, dịch vụ di động ngày càng có tác động sâu sắc đến kinh tế xã hội, do vậy nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, các nước trên thế giới đều quản lý chặt chẽ dịch vụ này. Ở các nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản do đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân điện tử nên khách hàng khi thực hiện đăng ký thông tin thuê bao chỉ cần xuất trình giấy tờ để doanh nghiệp đối chiếu, xác nhận. Với những nước đang phát triển, nhằm ngăn chặn việc ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông vào hoạt động khủng bố, các quốc gia này đã yêu cầu lấy dấu vân tay khách hàng; một số nước thì yêu cầu cả hai.
Trách nhiệm của nhà mạng
Qua tìm hiểu tại một số cửa hàng giao dịch của 3 nhà mạng lớn (tại 185 Giảng Võ của Viettel, 57A Huỳnh Thúc Kháng của VNPT VinaPhone, 97 Nguyễn Chí Thanh của MobiFone…), được biết ít khách hàng khi thực hiện hòa mạng mới hoặc đi làm lại thủ tục hợp đồng đồng ý với việc chụp ảnh theo yêu cầu.
Được biết, từ cuối tháng 5 vừa qua, tại hội nghị phổ biến Nghị định 49 do Bộ TT-TT tổ chức tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhiều ý kiến của đại diện doanh nghiệp, Sở TT-TT các địa phương cũng bày tỏ những băn khoăn, lo lắng về tính khả thi của yêu cầu này. Trong đó, đại diện các nhà mạng thì lo không kịp triển khai hệ thống thiết bị chụp ảnh, tiếp nhận và lưu trữ ảnh chụp hàng chục triệu thuê bao di động theo quy định; đại diện một số Sở TT-TT thì băn khoăn về việc người dùng sẽ tiếp nhận yêu cầu này ra sao.
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Phạm Văn Phất, Văn phòng Luật sư An Phát Phạm cho rằng, quy định mới này có thể hạn chế quyền dân sự của cá nhân theo Khoản 2, Điều 2, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ở một khía cạnh khác, việc chụp ảnh đặt ra vấn đề bảo mật thông tin người dùng. Vì Luật Căn cước công dân năm 2014, quy định: “Người làm công tác quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao” (Khoản 2, Điều 30).
Trong khi đó, Luật Viễn thông không có quy định tương ứng đối với những người quản lý thông tin thuê bao trong doanh nghiệp viễn thông. Do đó, việc cho phép doanh nghiệp thu thập và quản lý các thông tin, hình ảnh cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của Nghị định 49 rất dễ dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là khi chưa có đủ biện pháp quản lý hữu hiệu thì việc rò rỉ, tiết lộ thông tin cá nhân của khách hàng, chưa có chế tài thỏa đáng đối với hành vi vi phạm.
Ngày 24-4-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Tại Điều 1, Nghị định 49 có quy định về việc chụp ảnh trực tiếp người dùng dịch vụ di động khi đến thực hiện giao kết hợp đồng. |