Liên kết - Sự sống còn của chăn nuôi nông hộ

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 15:13, 23/06/2017

Ngành chăn nuôi Việt Nam với phần lớn nông hộ đang ngày càng đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt về giá thành và chất lượng sản phẩm với các tập đoàn lớn.

Liên kết trong chăn nuôi đang là xu hướng và là sự sống còn với các nông hộ trong cuộc đua khốc liệt này.

Tỉ lệ liên kết còn rất thấp

Kết quả nghiên cứu của Viện Chính sách chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) trong năm 2017 trên 6 sản phẩm chăn nuôi gồm lợn thịt, lợn sữa, bò thịt, bò sữa, gà thịt và gà trứng tại 12 tỉnh thành của Việt Nam cho thấy, lợi nhuận/đơn vị sản phẩm của các mô hình chăn nuôi liên kết có sự chênh lệch khá lớn so với các hộ chăn nuôi đơn lẻ không có liên kết.


Ví dụ cụ thể đối với gà trứng cho thấy: Chi phí sản xuất trên một quả trứng của hộ không liên kết bình quân là 1.440 đồng, trong khi bình đối với hộ trong mô hình liên kết chỉ có 1.370 đồng. Với giá bán trứng bình quân thị trường là 1.700 đồng/quả, hộ trong mô hình liên kết thu về lợi nhuận trung bình 320 đồng/quả, trong khi hộ không liên kết chỉ có 260 đồng/quả. Kết quả khảo sát đối với các mô hình nuôi lợn cũng cho thấy, chi phí đầu tư (giá thành) đối với hộ trong mô hình liên kết trung bình 32.300 đồng/kg, trong khi giá thành của hộ không tham gia liên kết là 32.700 đồng/kg. Tại thời điểm giá lợn tụt mạnh, mỗi đầu lợn xuất chuồng của hộ tham gia liên kết bị lỗ trung bình 435.000 đồng/con, trong khi hộ không tham gia liên kết bị lỗ tới gần 700.000 đồng/con...

Mặc dù lợi nhuận tốt hơn nhờ giảm được nhiều khâu trong quá trình liên kết, tuy nhiên, mức độ liên kết của ngành chăn nuôi Việt Nam, nhất là đối với nông hộ còn rất thấp. Cụ thể, theo Cục Quản lí chất lượng Nông lâm sản và thủy sản thì đến năm 2017, cả nước mới chỉ có 120 chuỗi cung ứng sản phẩm, chiếm 16% trong tổng số các chuỗi cung ứng có nông sản thực phẩm có xác nhận. Còn theo Cục Chăn nuôi thì năm 2017, cả nước mới có khoảng 350 mô hình liên kết trong chăn nuôi. Các mô hình liên kết chủ yếu trong chăn nuôi hiện nay phổ biến vẫn là DN thuê cơ sở hợp tác chăn nuôi, thuê nuôi gia công.

Trên thực tế, ông Hoàng Vũ Quang, Phó viện trưởng IPSARD cho rằng, các mô hình liên kết trong chăn nuôi đúng nghĩa, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị từ SX tới tiêu thụ sản phẩm hiện nay còn rất ít, lỏng lẻo... Theo nghiên cứu của IPSARD thì năm 2016, sữa là mặt hàng có tỉ lệ liên kết cao nhất với khoảng 45% so với tổng sản lượng cả nước. Còn lại, tỉ trọng các sản phẩm khác của chăn nuôi đều chiếm rất thấp trong cơ cấu tổng sản lượng cả nước như gà thịt (chỉ có 3,7%; lợn thịt khoảng 4,2% và trứng gà chỉ 0,5%...

Những khó khăn chính khiến tỉ lệ liên kết trong ngành chăn nuôi còn hạn chế, đó là việc liên kết đòi hỏi hộ chăn nuôi phải bổ sung chi phí đối ứng lớn, trong khi DN cũng phải đầu tư lớn. Đối với mô hình liên kết giữa DN và nông hộ, DN gặp nhiều khó khăn thu hồi vốn đầu tư cho cơ sở chăn nuôi khi gặp rủi ro, trong khi chính sách bảo hiểm lại chưa được tiếp cận...

Nhiều “ông lớn” bắt tay liên kết với nông hộ

Mặc dù tỉ lệ liên kết trong chăn nuôi hiện nay còn rất thấp, tuy nhiên với hiệu quả thực tế, liên kết đã chứng minh được là xu thế tất yếu mà ngành chăn nuôi phải hướng tới, nhất là đối với nông hộ nhỏ lẻ. Hiện nay, hàng loạt các mô hình liên kết giữa DN và nông dân đã và đang hình thành, với sự vào cuộc của rất nhiều DN lớn như Vinamilk, bò sữa Mộc Châu, HTX Tân Thông Hội (TPHCM), Cty San Hà (gà thịt); Cty De Heus (lợn thịt); Cty Ba Huân (trứng gà), Tập đoàn Mavin (lợn thịt)... Đến nay, thành công nhất của hình thức liên kết có lẽ phải kể tới ngành bò sữa, trong đó Vinamilk là một điển hình.

Báo cáo tại một hội thảo mới đây, Cty Vinamilk đã khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho ngành bò sữa tại Việt Nam theo hình thức liên kết với nông hộ. Theo đó, ngoài việc sẽ xây dựng mới thêm 8 trang trại quy mô công nghiệp tập trung, Vinamilk sẽ chủ trương tăng dần số lượng đàn bò/hộ. Hiện nay, Vinamilk đang ký hợp đồng thu mua sữa trực tiếp với 7.660 hộ dân, với tổng đàn bò hơn 95 nghìn con. Theo mục tiêu đến năm 2020, các hộ dân hợp tác với Vinamilk sẽ được nâng đàn bò lên bình quân tối thiểu 15 con/hộ...

Ngoài ra từ năm 2016, Vinamilk đã kết hợp với một DN sản xuất thức ăn cho bò sữa hàng đầu thế giới để cung cấp thức ăn cho hộ liên kết. Theo đó, nông hộ sẽ nhận cám từ trạm thu mua sữa mà không phải trả tiền ngay, sau đó sẽ được khấu trừ vào tiền bán sữa hằng tuần. Năm 2016, đã có 70 nghìn tấn thức ăn được đưa tới nông hộ liên kết và dự kiến năm 2017 này sẽ tăng thêm khoảng 15%. Nhờ chương trình này, nông hộ liên kết đã giảm được khoảng 15 - 20% giá mua cám so với thị trường.

Ngoài mô hình liên kết thành công điển hình của Vinamilk, gần đây, một số mô hình HTX chăn nuôi kết hợp với DN cũng đã hình thành, tiêu biểu phải kể tới mô hình liên kết giữa Cty TNHH Công Danh với các HTX chăn nuôi tại Nam Định để XK thịt lợn sữa, với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Nam Định. Hiện tại, Cty Công Danh đã đầu tư dây chuyền chế biến lợn sữa XK với công suất lên tới 5.000 con/ngày, tập trung chính vào dòng lợn Móng Cái để XK.

Theo kế hoạch giai đoạn 2017 - 2018, Cty phối hợp với các địa phương, với sự hỗ trợ của tỉnh Nam Định sẽ thành lập tổng cộng 20 HTX chăn nuôi tại các huyện có đàn lợn nái Móng Cái lớn của tỉnh, mỗi HTX đảm bảo quy mô tối thiểu 300 nái, cung cấp 6.000 lợn sữa/ngày cho NM. Trong giai đoạn 2019 - 2020, sẽ có thêm 50 HTX chăn nuôi nái Móng Cái ra đời để SX lợn sữa (mô hình mỗi xã chăn nuôi trọng điểm là một HTX), và 10 HTX chăn nuôi lợn nái lai để SX lợn choai, phấn đấu đáp ứng tối thiểu 50% nhu cầu của NM...

Theo tính toán, mô hình liên kết này có thể giúp hộ chăn nuôi giảm được các khâu trung gian, mỗi con lợn xuất chuồng sẽ được hưởng thêm tối thiểu 15.000 đồng lợi nhuận. Nông dân tham gia liên kết sẽ được hỗ trợ hàng loạt các chính sách của tỉnh cũng như hỗ trợ từ DN. Đây đang là mô hình mà ngành chăn nuôi tại phía Bắc rất kỳ vọng trong thời gian tới.

Hiền Thanh