Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng, Đống Đa

Chính trị - Ngày đăng : 16:51, 23/06/2017

(HNMO) - Ngày 23-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội (đơn vị bầu cử số 2) đã tiếp xúc cử tri các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa sau kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)



Phát biểu ý kiến tại các cuộc tiếp xúc, cử tri hai quận Hai Bà Trưng, Đống Đa đánh giá, một trong những thay đổi lớn nhất tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc là thời gian làm việc ngắn hơn nhưng chất lượng làm luật cao hơn. Kỳ họp không còn chạy theo số lượng luật mà chú trọng vào chất lượng luật, tất cả những luật, nghị quyết, vấn đề quan trọng của quốc gia đều được bố trí thời gian thỏa đáng để đại biểu bàn bạc kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, hình thức giám sát tối cao qua chất vấn của Quốc hội có nhiều đổi mới, tăng thời gian chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày. Các đại biểu Quốc hội không chỉ chất vấn, tranh luận với bộ trưởng, các thành viên Chính phủ mà còn thẳng thắn giơ biển xin tranh luận lại với chính đại biểu Quốc hội khác để đi đến tận cùng những vấn đề “nóng” đang nổi lên trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, theo cử tri quận Hai Bà Trưng, sau chất vấn, Quốc hội cần thực hiện việc giám sát lời hứa của các "tư lệnh ngành", nhất là các nội dung đã được đề cập nhiều năm nhưng chưa có nhiều chuyển biến như: vệ sinh an toàn thực phẩm, nợ công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả...

Ngoài vấn đề nêu trên, cử tri hai quận bày tỏ băn khoăn về vấn đề giữ gìn môi trường, đô thị, cắt tỉa cây xanh tại Hà Nội; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; chất lượng khám chữa bệnh... 

Trao đổi với cử tri về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của thành phố, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội vừa trải qua đợt nắng nóng cao độ, bất thường trong 40 năm qua. Trong số các nguyên nhân gây nắng nóng, có nguyên nhân từ việc lấp ao hồ và vấn đề cây xanh như cử tri phản ánh.

Về ao hồ, Ban cán sự UBND TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch trong 5 năm, từ 2016 đến 2020, Hà Nội xây thêm 25 công viên, đào 25 hồ trong các công viên; đến nay đã thực hiện được 4 hồ. Hiện Hà Nội đã đào thêm hồ Bắc Mai Dịch, hồ công viên Nhân Chính; đang thi công công viên hồ điều hòa Cầu Giấy.

Về cây xanh, đến thời điểm 31-12-2015, tính trung bình một người dân Hà Nội có 6,7 - 6,8 m2 cây xanh. Thành phố đã tiếp tục trồng bổ sung cây ở các công viên xây dựng mới, các trường học, các tuyến phố để đến năm 2020 đạt diện tích cây xanh từ 10 - 11 m2/người. Chủ tịch UBND TP khẳng định, mục tiêu này là khả thi bởi chỉ từ 1-1-2016 đến nay, thành phố đã trồng được 320.000 cây xanh. Theo tính toán của các nhà khoa học, sau trồng 1 năm, diện tích cây xanh đạt 1,5 - 2 m2/người, sau 3 năm đạt 6 - 8 m2/người, sau 5 năm đạt 12 - 15 m2/người, sau 7 năm đạt 18 - 22 m2/người.... Như vậy, trong vòng 5 năm tới, Hà Nội sẽ có thêm 15 - 18 triệu m2 cây xanh và có thể đạt mục tiêu 10 m2 cây xanh/người.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng, trong quá trình thành phố phát triển kinh tế, mở rộng cơ sở hạ tầng, không thể tránh khỏi việc đôi khi phải di chuyển hoặc chặt hạ cây xanh đã trồng.

“Vừa qua, báo chí có nêu vấn đề về số phận 1.300 cây xà cừ ở đường Phạm Văn Đồng. Qua khảo sát, tuyến đường này đã được quy hoạch từ năm 1992, trên tuyến đường có một số cây xà cừ được trồng trước năm 1992. Nếu đánh chuyển một cây, chi phí mất từ 25-40 triệu đồng, trong khi trồng mới cây xanh đường kính 20-25cm thì chỉ tốn 3,2 triệu đồng/cây. So sánh số tiền để di chuyển 1.300 cây xà cừ, có thể trồng 15.000 - 18.000 cây mới, có giá trị cao hơn. Vì vậy, Hà Nội sẽ cố gắng cao nhất đánh chuyển những cây thẳng, còn khả năng phát triển, còn những cây cong, không phát triển sẽ tính đến phương án chặt hạ để bán gỗ, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Thành phố sẽ công khai kế hoạch di chuyển, chặt hạ cây trên các tuyến phố” - Chủ tịch UBND TP cho biết.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, các ý kiến của cử tri đều rất sâu sắc, trách nhiệm với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Tổng Bí thư cũng đồng tình với những nhận xét của cử tri về kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV và khẳng định, dù kỳ họp chỉ diễn ra trong hơn 20 ngày nhưng đã hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn. Điểm đáng chú ý nhất là nếu trước đây tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, phần lớn chỉ đại biểu Quốc hội hỏi và “tư lệnh ngành” trả lời, thì nay đã chuyển sang tranh luận, không chỉ tranh luận với các thành viên Chính phủ, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau...

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng cho rằng, việc chất vấn và trả lời chất vấn vẫn còn có những hạn chế như có những vấn đề chưa đi đến cùng; các đại biểu Quốc hội phải tranh luận thẳng thắn hơn nữa, nhất là chất vấn để làm sao những người có trách nhiệm thấy được trách nhiệm của mình, sửa chữa được thiếu sót, hạn chế, từ đó làm tốt hơn chức trách của mình. 

Hà Phong