Nguồn lực vận động viên Việt kiều
Thể thao - Ngày đăng : 07:25, 24/06/2017
VĐV Việt kiều môn bóng rổ Stefan Nguyễn. |
Thu hút người tài
Thể thao Việt Nam, cũng như nhiều ngành khác, đã thực hiện giải pháp thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về cống hiến cho quê hương theo chủ trương mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Nhờ đó, ngành Thể thao đã tìm được những vận động viên Việt kiều có trình độ chuyên môn tốt.
Câu chuyện kình ngư Lê Nguyễn Paul đầu quân cho thể thao An Giang vào năm 2015 và sau đó được gọi vào đội tuyển bơi Việt Nam là một ví dụ điển hình. Chàng trai sinh năm 1993 này sống ở Oklahoma (Mỹ). Cuộc gặp vô tình với huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn tại Mỹ, năm 2014, đã đưa Lê Nguyễn Paul đến với đội bơi An Giang. Và, sau đó, thành tích ấn tượng của Lê Nguyễn Paul giúp anh có vị trí trong đội tuyển bơi Việt Nam. Ngoài thời gian thi đấu cho đội bơi Việt Nam cũng như An Giang, Lê Nguyễn Paul chủ yếu sống, tập luyện tại Mỹ. Tại SEA Games 29, kình ngư này được kỳ vọng tạo nên bất ngờ, sau khi anh đã không thể tham dự SEA Games lần thứ 28 - năm 2015 - vì lý do liên quan tới thủ tục. Lê Nguyễn Paul tỏ ra hài lòng với quyết định của mình khi nói: “Tôi sinh ra tại Mỹ nhưng bố mẹ tôi là người Việt Nam. Tôi yêu mảnh đất này, luôn muốn được cống hiến cho quê hương và giờ đây đã có cơ hội để thực hiện”.
Tương tự Lê Nguyễn Paul, ba cầu thủ bóng rổ Việt kiều là Nguyễn Tuấn Tú (còn gọi là Stefan Nguyễn), Horace Nguyễn (Horace Nguyễn Tâm Phúc) và Tâm Đinh (Đinh Thanh Tâm) cũng sẽ lần đầu tiên được góp mặt ở đội tuyển bóng rổ Việt Nam khi có tên trong danh sách tham dự SEA Games lần thứ 29. Sự ra đời của bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam đã giúp cả ba có cơ hội nuôi dưỡng giấc mơ thi đấu chuyên nghiệp, đóng góp cho đội tuyển Việt Nam. Nếu như Nguyễn Tuấn Tú (sinh tại Thụy Điển) đã thi đấu tại Việt Nam trong màu áo Câu lạc bộ Saigon Heat từ vài năm nay thì Horace Nguyễn và Tâm Đinh chỉ mới từ Mỹ trở về vào năm ngoái, khi Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) bắt đầu được tổ chức. Tài năng của họ, dù chưa thực sự nổi bật ở Thụy Điển hay Mỹ nhưng cũng đủ thuyết phục các huấn luyện viên của đội tuyển bóng rổ Việt Nam. Với sự góp mặt của bộ ba này, lần đầu tiên bóng rổ Việt Nam mơ tới tấm huy chương SEA Games.
Các cầu thủ bóng đá Việt kiều cũng được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây. Cách đây gần hai tuần, thủ thành Đặng Văn Lâm (sinh ra tại Nga) đã có màn trình diễn ấn tượng trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Jordan tại vòng loại Giải Bóng đá vô địch Châu Á năm 2019. Trước Đặng Văn Lâm, tiền đạo Mạc Hồng Quân (sinh tại Việt Nam nhưng cùng gia đình định cư tại Czech từ nhỏ) cũng nhiều lần khoác áo đội tuyển U23 và đội tuyển Việt Nam.
Điều quan trọng là Mạc Hồng Quân, cũng như nhiều vận động viên Việt kiều khác, đã nhận thấy cơ hội theo đuổi đam mê và cống hiến cho quê hương từ chính sách thu hút nhân tài của Nhà nước Việt Nam.
Phát triển nội lực
Đến nay, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng có thể khẳng định, số vận động viên Việt kiều tìm về với thể thao Việt Nam lên đến hàng trăm người. Nhiều vận động viên đến từ những nền thể thao mạnh như Mỹ, Nga, Thụy Điển, Czech…, đủ sức đáp ứng tiêu chí chuyên môn của thể thao Việt Nam, nhưng cũng có nhiều vận động viên, nhất là ở môn bóng đá và quần vợt, không đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Việc ngày càng có nhiều vận động viên Việt kiều xuất hiện trong thành phần các đội tuyển quốc gia là tín hiệu tích cực. Tuy vậy, cần thấy rằng, muốn có nhiều vận động viên Việt kiều giỏi thì chúng ta phải có giải pháp phù hợp, chủ động. Muốn vậy, chúng ta phải xây dựng mạng lưới phát hiện tài năng thể thao nhờ vào kiều bào ở các nước có nền thể thao mạnh; thông qua mối liên hệ giữa các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài với bà con Việt kiều để phát hiện nhân tài và chủ động mời gọi họ về phục vụ quê hương...
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục, thể thao Vương Bích Thắng chia sẻ: "Các vận động viên Việt kiều là nguồn lực quan trọng của thể thao Việt Nam. Việc thu hút họ là chủ trương của ngành từ nhiều năm nay và đó tiếp tục là hướng đi khả thi nhằm nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, xin nhắc lại đây chỉ là một hướng đi. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tập trung nâng cao nội lực thông qua công tác đào tạo, huấn luyện ở trong nước”.
Nhiều huấn luyện viên, nhà quản lý thể thao cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng, nếu chỉ trông vào nguồn vận động viên Việt kiều mà lơ là công tác đào tạo thì sự phát triển của thể thao Việt Nam sẽ không bền vững. Theo ông Đới Đăng Hỷ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vật Hà Nội, các vận động viên Việt kiều có thể giúp các đội tuyển tiến nhanh hơn ở đấu trường quốc tế cũng như giúp các câu lạc bộ có thành tích tốt hơn ở giải đấu quốc gia. Tuy nhiên, thể thao Việt Nam phải đi bằng hai chân: Phát triển nguồn lực trong nước kết hợp với tuyển chọn vận động viên Việt kiều.