Tăng tính khách quan, giảm áp lực
Giáo dục - Ngày đăng : 07:43, 25/06/2017
Nhiều thí sinh phấn khởi sau khi kết thúc kỳ thi. Ảnh: Nhật Nam |
Hai giải pháp bảo đảm tính khách quan
Việc tổ chức kỳ thi “hai trong một”, với mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT vừa lấy kết quả để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng đã được triển khai từ năm 2015, nhưng đây là năm đầu tiên các địa phương được giao quyền chủ trì. Trước băn khoăn về việc giao quyền chủ trì liệu có dẫn đến tình trạng nơi chặt, nơi lỏng, gây nên sự thiếu công bằng, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định: Các sở GD-ĐT có nhiều kinh nghiệm tổ chức thi, kiểm soát tốt tình huống. Để bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan, Bộ GD-ĐT đã có hai giải pháp.
Thứ nhất, tại mỗi phòng thi đều có một giảng viên đại học và một giáo viên phổ thông, thậm chí, một số địa phương điều động giáo viên phổ thông theo hình thức đổi chéo giữa các địa bàn để bảo đảm khách quan. Thứ hai là trừ môn ngữ văn, các bài thi còn lại đều được xây dựng theo hình thức trắc nghiệm khách quan - có ý nghĩa loại trừ động cơ mang tài liệu vào phòng thi của thí sinh.
Năm 2017, lần đầu tiên các trường đại học vắng bóng sĩ tử trong mùa thi. “Việc tổ chức thi tại địa phương khiến chúng tôi yên tâm hơn, không còn phải lo đi thuê nhà trọ, bị lạc đường, phải chầu chực suốt mấy ngày thi ở nơi đất khách quê người. Nhà có gia cảnh khó khăn cũng không còn phải đau đầu lo bán bò, bán thóc để đưa con ra thành phố dự thi”, ông Kiều Văn Nam (thôn Khê Thượng, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ.
Theo anh Lê Thành Việt, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cách thức tổ chức thi mới không gây áp lực giao thông. Đây là điều khác hẳn với mọi năm, khi mà lượng xe và người đổ về Hà Nội trong những ngày thi là rất lớn, việc phân luồng giao thông và bảo đảm an toàn cho thí sinh luôn là bài toán khó đối với các lực lượng phục vụ kỳ thi. Rõ ràng áp lực trong kỳ thi này đã giảm hẳn so với những năm trước.
“Công tác coi thi tại 112 điểm thi trên địa bàn TP Hà Nội trong ngày thi cuối cùng được thực hiện nghiêm túc. Các đoàn thanh tra lưu động tiếp tục đi kiểm tra đột xuất tại nhiều điểm thi nhằm giám sát việc thực hiện quy chế của cả cán bộ coi thi và thí sinh. Kết thúc buổi thi, toàn thành phố có một thí sinh bị đình chỉ, không có cán bộ vi phạm quy chế. Tại các điểm thi không xảy ra sự cố nghiêm trọng về mọi mặt”. Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội. |
Giữ ổn định cách thức thi
Dù công tác tổ chức kỳ thi năm nay được đánh giá là có nhiều ưu điểm, đạt mục tiêu giảm áp lực, bảo đảm sự công bằng cho thí sinh nhưng vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội là kết quả kỳ thi có đủ độ tin cậy cho việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hay không.
Giải đáp mối băn khoăn trên, ông Mai Văn Trinh cho biết: Ngoài hai giải pháp kỹ thuật như đã nêu, thực tế diễn ra tại các địa phương cho thấy, kỳ thi đã được tổ chức nghiêm túc, không có tình trạng lộn xộn trong phòng thi, hiện tượng gây mất an ninh trật tự phía ngoài trường thi không còn, cả đợt thi chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi, không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế. Đây là cơ sở để Bộ GD-ĐT khẳng định kỳ thi có đủ độ tin cậy, kết quả thi bảo đảm thực chất.
Còn ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Qua phản ánh từ đội ngũ cán bộ, giảng viên và những cảm nhận từ thực tế tham gia giám sát việc tổ chức thi tại địa phương, nhà trường hoàn toàn yên tâm về độ tin cậy của kết quả thi.
Trước những băn khoăn về mức độ khó - dễ của các đề thi năm nay có đồng đều hay không, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định: Tất cả các đề thi đã được thử nghiệm với học sinh tại nhiều địa phương, cả ở địa bàn thuận lợi và khó khăn để kiểm tra mức độ khó - dễ.
Các đề thi được chuẩn hóa theo hai bước để tạo căn cứ cho việc xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn, đó là thử nghiệm để cân bằng độ khó - dễ giữa các câu hỏi và thử nghiệm để cân bằng độ khó - dễ giữa các đề thi. Mỗi đề thi được phân làm 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Các câu hỏi ở cùng một cấp độ được phân thành một cụm. Khi tạo thành các mã đề khác nhau, các câu hỏi ở cùng một cụm được trộn lẫn, vì vậy, mỗi đề thi đều có các câu hỏi ở mức độ khó, dễ tương đương.
Liên quan đến vấn đề nói trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết thêm: Đề thi có 60% câu hỏi ở phần kiến thức cơ bản, 40% còn lại ở mức độ nâng cao, bảo đảm cơ hội tốt nghiệp THPT cho học sinh có học lực từ trung bình trở lên. Các câu hỏi ở mức độ nâng cao nhằm mục tiêu phân hóa, phục vụ cho việc tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, với thành công trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ giữ ổn định kỳ thi “hai trong một” với cách thức giao cho địa phương chủ trì tổ chức vào năm 2018. Tuy nhiên, Bộ sẽ có một số điều chỉnh nhằm tiếp tục tạo thêm điều kiện thuận lợi cho thí sinh, giảm áp lực và sự tốn kém cả về thời gian, kinh phí cho nhân dân.