Xã hội hóa đầu tư công trình nước sạch

Xã hội - Ngày đăng : 06:56, 26/06/2017

(HNM) - Hiện tỷ lệ người dân khu vực nông thôn Hà Nội được sử dụng nước sạch mới đạt gần 39%. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% dân số ở nông thôn được sử dụng nước sạch.

Việc đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp có năng lực đầu tư, vận hành cấp nước phục vụ người dân vùng nông thôn là rất cần thiết.


Chưa đáp ứng nhu cầu

Thời gian qua, TP Hà Nội luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm góp phần nâng cao chất lượng sống người dân. Nhờ vậy, đã có 119 công trình cấp nước tập trung ở nông thôn được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, việc đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung thiếu đồng bộ nên chưa đáp ứng nhu cầu và chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

Qua rà soát, hiện có 86 công trình cấp nước tập trung hoạt động ổn định, còn lại 11 công trình đang trong quá trình xây dựng và 22 công trình đã bỏ hoang nhiều năm hoặc bị hư hỏng. Hiệu suất hoạt động trung bình của các trạm đạt khoảng 80% nhưng tỷ lệ thất thoát trung bình tới 30%, có trạm lên tới 70%. Nguyên nhân là các công trình xây dựng đã lâu, hệ thống đường ống không được đầu tư cải tạo, nâng cấp nên xuống cấp, bục vỡ. Chất lượng nước sạch nông thôn cũng không đồng đều, một số trạm chất lượng kém do công nghệ xử lý lạc hậu.

Trong giai đoạn 2013-2017, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tài trợ và cho Hà Nội vay hơn 628 tỷ đồng để triển khai 7 dự án trạm cấp nước sạch. Theo ông Đỗ Văn Thành, Ban điều hành Chương trình cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn (Bộ NN&PTNT): Đến nay, có 3/7 công trình sử dụng nguồn vốn vay của WB đã đưa vào sử dụng, cấp nước sạch cho 7.200 hộ dân khu vực nông thôn. Ba trạm cấp nước sạch liên xã khác ở huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín cơ bản hoàn thành, dự kiến trong năm 2017 sẽ cấp nước sạch cho 12.000 hộ dân.

Tuy nhiên, ở một số nơi, nhiều hộ dân chưa mặn mà sử dụng nước sạch vì phải đóng góp 10% kinh phí lắp đặt đồng hồ nước theo quy định và còn e ngại về chất lượng nước. Theo ông Nguyễn Đức Tuế, Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy (Thanh Oai): Thời điểm đầu khi lập dự án có 1.900 hộ có nhu cầu sử dụng nước sạch, nhưng đến khi hoàn thành chỉ có 400 hộ nộp tiền lắp đặt đồng hồ nước. Ông Lê Thanh Ơn ở thôn Dư Dụ, xã Thanh Thùy e ngại: Hiện nhà máy nước đang chạy thử nghiệm, dù cảm quan sạch hơn nước giếng, nhưng người dân mong muốn các cơ quan chức năng lấy mẫu nước xét nghiệm và công bố chỉ tiêu chất lượng công khai để yên tâm sử dụng…

Đẩy mạnh xã hội hóa và ưu đãi đầu tư

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, xã hội hóa đầu tư vào nước sạch là cần thiết để đạt mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch.

Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, thành phố đã ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước khu vực nông thôn như: Ưu đãi về đất đai, thuế, lãi suất vay và hỗ trợ vốn (hỗ trợ 90% vốn cho doanh nghiệp đầu tư ở các xã vùng dân tộc và miền núi; 75% ở vùng gò đồi, trung du; 60% ở vùng đồng bằng; 45% ở vùng thị trấn). Đồng thời, thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại bảo đảm cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế. Thành phố sẽ tăng cường cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định, trình duyệt các dự án cấp nước sạch nông thôn...

Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn. Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam Vũ Minh Hà, một doanh nghiệp đang đầu tư cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố: Kinh phí đầu tư cho công trình nước sạch tới vài chục tỷ đồng trong khi quy định của thành phố là hỗ trợ sau đầu tư nên doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn để triển khai dự án. Thành phố nên hỗ trợ theo hình thức ứng vốn từng phần theo khối lượng hoàn thành từng giai đoạn và quyết toán toàn phần khi công trình đi vào sử dụng.

Liên quan đến 86 trạm cấp nước đang hoạt động, cần rà soát và cho phép bàn giao cho doanh nghiệp quản lý để chủ động thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng nước phục vụ nhân dân. Trước mắt, các trạm nằm trong khu vực cấp nước đô thị tiếp tục sử dụng, lâu dài chuyển thành trạm bơm tăng áp. Riêng các công trình nằm ngoài khu vực đô thị cần tiến hành cải tạo nâng cấp, áp dụng công nghệ tiên tiến bảo đảm chất lượng nước sau xử lý phù hợp tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Đối với các công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc ngừng hoạt động thì bàn giao cho doanh nghiệp tiếp nhận, cải tạo nâng cấp, sử dụng công nghệ tiên tiến để bảo đảm chất lượng nước cho nhân dân…

Cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn ngày càng trở nên cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nguồn nước bị ô nhiễm. Để đạt mục tiêu, các địa phương cần tiếp tục tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dùng nước sạch, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp có năng lực để đầu tư, vận hành cấp nước phục vụ nhân dân.

Hiện nay, các huyện phía Bắc TP Hà Nội đã có 5 dự án do 3 nhà đầu tư triển khai. Các huyện phía Tây có 10 dự án do 7 nhà đầu tư thực hiện với phạm vi cấp nước cho 53 xã. Ở phía Tây Nam có 3 dự án cấp nước cho 5 xã, thị trấn thuộc huyện Ứng Hòa và huyện Thanh Oai. Các huyện phía Nam có 2 dự án cấp nước cho 3 xã, thị trấn thuộc huyện Thanh Trì…

Ngọc Quỳnh