Thành quả của tư duy đổi mới và hành động kiến tạo
Kinh tế - Ngày đăng : 06:56, 27/06/2017
Sản xuất bo vi mạch tại Công ty TNHH Điện tử Meiko (Khu công nghiệp Thạch Thất). Ảnh: Hải Linh |
"Hút" mọi nguồn lực để phát triển
Trong bối cảnh ngân sách chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông, Hà Nội đã có những quyết định đột phá để "hút" mọi nguồn lực bằng cách đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư 80% nhu cầu còn lại. 15 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, 48 giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn lên tới gần 10 tỷ USD đã được lãnh đạo thành phố trao cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại hội nghị là minh chứng rõ nét.
Trong đó, hơn 6 tỷ USD là tổng vốn đầu tư được thể hiện qua 15 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với những dự án có ý nghĩa kinh tế - xã hội rất lớn. Đáng chú ý là, Tập đoàn Vingroup sẽ đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, một doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực mà từ trước đến nay chỉ được thực hiện bằng vốn nhà nước hoặc vay nước ngoài.
Ngay trong năm nay, Công ty cổ phần FPT sẽ xây dựng bản đồ số về giao thông cho Hà Nội. Dự án này giúp người dân trực tiếp phản ánh hoặc nhận thông tin về tình trạng giao thông qua công cụ tương tác tự động. Bên cạnh đó là các dự án phát triển giáo dục quy mô như: Dự án xây dựng Trường Đại học Quản trị Châu Âu với tổng vốn dự kiến khoảng 50 triệu USD, đào tạo đại học và sau đại học với chất lượng quốc tế; dự án hợp tác phát triển các dự án giáo dục từ mầm non đến đại học và dự án đầu tư giáo dục kỹ năng cho học sinh, sinh viên (tổng mức đầu tư 2 dự án khoảng 100 triệu USD).
Bên cạnh đó, hơn 3,5 tỷ USD là tổng mức đầu tư của 48 dự án đã được lãnh đạo thành phố trao quyết định chứng nhận đăng ký đầu tư tại hội nghị. Con số này gấp gần 2 lần nguồn cân đối ngân sách năm 2017 của thành phố dành cho đầu tư phát triển. Trong số 48 dự án, có 5 dự án về hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng; 10 dự án cấp thoát nước, môi trường với tổng mức đầu tư trên 8.800 tỷ đồng; 11 dự án lĩnh vực công nghiệp - thương mại - du lịch - vui chơi giải trí - thể thao hơn 20.600 tỷ đồng; 8 dự án lĩnh vực phát triển đô thị, nhà ở gần 31.000 tỷ đồng; 9 dự án lĩnh vực văn hóa - y tế - giáo dục hơn 4.750 tỷ đồng và 5 dự án lĩnh vực khác với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo TP Hà Nội, các doanh nghiệp đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng vì mục đích an sinh xã hội, cùng thành phố hiện thực hóa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Trong đó có 6 doanh nghiệp ủng hộ xây dựng 6 trường học nội trú cho các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nam Bộ; 12 doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở vật chất, học bổng cho Hà Nội và các tỉnh...
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Những con số ấn tượng nêu trên là minh chứng sống động về tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, sự đồng hành của Đảng bộ, chính quyền Thủ đô đối với cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là kết quả của một quá trình đổi mới tư duy và hành động kiến tạo của các cấp, các ngành thành phố.
Cách đây một năm, tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, TP Hà Nội đã phát đi thông điệp: “Doanh nghiệp là động lực phát triển của Thủ đô”, “Hà Nội coi trọng nguồn lực đầu tư xã hội”; “Hà Nội chào đón và mong muốn hợp tác với tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế để cùng phát triển bền vững”. Một năm qua, Hà Nội đã hành động quyết liệt để kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đây cũng là tiền đề quan trọng để thành phố tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”.
Từng tham dự và chỉ đạo nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư trong thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành nhiều lời khen cho Hà Nội. Thủ tướng chia sẻ: "Có doanh nghiệp gần đây chia sẻ rằng, lãnh đạo của Hà Nội đã giải quyết thấu đáo một yêu cầu chính đáng, vì lợi ích của doanh nghiệp và của Hà Nội chỉ trong vòng một ngày qua tin nhắn điện thoại. Đó chính là hành động kiến tạo của lãnh đạo địa phương”.
Cũng theo Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đang phát huy hiệu quả sức mạnh liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố lân cận trong tất cả các lĩnh vực: Quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, môi trường… Thủ đô Hà Nội phát triển tốt, đã lan tỏa tới cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ và vùng Tây Bắc của Việt Nam. Đặc biệt, theo Thủ tướng Chính phủ, trong 52 dự án trọng điểm của Hà Nội có tới 38 dự án hạ tầng giao thông đô thị với 422.000 tỷ đồng. Nếu làm tốt 52 dự án này, Hà Nội sẽ là nơi có hạ tầng giao thông thuộc nhóm tốt nhất nước. Vì vậy, việc Hà Nội tập trung đổi mới cơ chế huy động theo hướng xã hội hóa để có nguồn lực đáp ứng 80% nhu cầu đầu tư là hướng đi đúng. Thủ tướng tin tưởng, với cách làm mới, quyết tâm mới, Hà Nội sẽ có bước đi và bước phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới.
Niềm tin của người đứng đầu Chính phủ cũng như các bộ, ngành, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư là động lực để Hà Nội thực hiện cam kết: “Tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Trước hết, Hà Nội sẵn sàng chào đón, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận và đầu tư vào các dự án trong danh mục 136 dự án đã công bố tại Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”.