Nông thôn mới gắn với đô thị hóa
Đời sống - Ngày đăng : 06:23, 10/02/2023
Đô thị hóa là xu thế tất yếu
Kim Chung là một trong 6 xã của huyện Đông Anh được quy hoạch nằm trong Khu đô thị Bắc Thăng Long và có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Nhuế, xã Kim Chung Đỗ Trung Ngự cho biết: Thôn Nhuế có 7.000 dân, trong đó có hơn 3.000 dân tạm trú, chủ yếu là công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) cũng không khác một phường trong khu vực nội đô với nhà cửa san sát, hàng quán đông đúc, sầm uất. Nhà dân đều được đánh số, đường làng, ngõ xóm được đặt tên. Trên địa bàn xã đã có hàng chục dự án lớn, nhỏ vào đầu tư đô thị, công nghiệp; đất nông nghiệp giảm...
Tương tự, Chủ tịch UBND xã An Khánh (huyện Hoài Đức) Bùi Quang Ất cho biết: Trên địa bàn xã có 7 thôn, 5 tổ dân phố và 4 khu đô thị với khoảng 50.000 dân - cao gấp 5 lần so với dân số của một xã bình thường, trong đó dân gốc của xã chỉ chiếm một phần nhỏ.
Đô thị hóa là xu thế tất yếu đối với nông thôn Hà Nội. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, lộ trình đến năm 2025 thành phố sẽ có thêm 5 huyện trở thành quận. Do đó, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa phương ven đô đã được thành phố chỉ đạo tích hợp với xây dựng các tiêu chí trở thành phường, quận; xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa.
Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, thành phố Hà Nội đã có 100% số xã và 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện tại, các xã của Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...
Tạo bước chuyển cho phát triển đô thị
Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, các tiêu chí đặt ra cũng cao hơn nông thôn mới thông thường, nhiều tiêu chí tiệm cận với các tiêu chí của phường. Đây được xem là cơ hội để các địa phương phát triển thành phường trong tương lai. Các huyện: Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng có số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu dẫn đầu thành phố. Trong đó, huyện Đan Phượng có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hoàn thành được các mục tiêu cao hơn trong xây dựng nông thôn mới giúp hạ tầng nông thôn của các địa phương này thêm khang trang, hiện đại, đời sống người dân ngày một nâng cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng dẫn chứng, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiêu chí giao thông đòi hỏi không chỉ hệ thống đường liên xã, đường trục thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, mà còn phải bố trí hệ thống báo hiệu đường bộ theo quy chuẩn. Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 100% số thôn phải có nhà văn hóa, điểm vui chơi giải trí và thể thao cho trẻ em, người cao tuổi… Đây cũng là những yêu cầu đặt ra đối với phát triển đô thị mà địa phương phải thực hiện.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho rằng, một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao còn đòi hỏi cao hơn tiêu chí đô thị. Ví dụ, tiêu chí trường học trong nông thôn mới nâng cao đòi hỏi trường học 3 cấp phải đạt chuẩn quốc gia, trong đó có ít nhất 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; tiêu chí văn hóa đòi hỏi ngoài nhà văn hóa thôn, phải có trung tâm văn hóa, thể thao quy mô xã…
Do đó, xây dựng nông thôn mới nâng cao sẽ giúp các địa phương có bước phát triển tốt hơn khi trở thành phường...
Theo Chủ tịch UBND xã An Khánh (huyện Hoài Đức) Bùi Quang Ất, tự đánh giá, đến nay, xã An Khánh đã hoàn thành đủ 15 tiêu chí của đô thị. Xã cũng được Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố chấm điểm đạt tiêu chí hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Trưởng thôn Đồng Trì, xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) Nguyễn Đức Quân cho biết, giải “bài toán” hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa phát triển nông thôn và đô thị, địa phương đã giữ cổng làng, cổng xóm; xây dựng thêm khuôn viên cây xanh tạo điểm vui chơi, thư giãn cho người dân… Người dân đã đóng góp hơn 200 triệu đồng đổ bê tông đường vào nghĩa trang, đặt 53 ghế đá tại các trục đường làng, nhà văn hóa thôn…
Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, ngay kể cả các huyện đang thực hiện các tiêu chí lên quận cũng phải nỗ lực song hành với xây dựng nông thôn mới. Làm được điều đó chính là tạo bước chuyển cho các địa phương phát triển đô thị trong tương lai.