Thắng lợi hiếm hoi của ông chủ Nhà Trắng

Thế giới - Ngày đăng : 06:22, 29/06/2017

(HNM) - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa giành được thắng lợi quan trọng khi lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi đã được Tòa án Tối cao Mỹ khôi phục một phần.

Theo phán quyết mới nhất của tòa tối cao, hai trong số những điều khoản quan trọng và gây tranh cãi nhất của sắc lệnh di trú sẽ được khôi phục nhanh chóng. Điều này đồng nghĩa với việc công dân đến từ 6 nước Hồi giáo chiếm đa số gồm Syria, Iran, Libya, Somalia, Yemen, Sudan (đã loại Iraq ra khỏi danh sách 7 nước Hồi giáo so với lệnh cấm ban đầu) sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày, và tất cả những người tị nạn sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong 120 ngày, kể từ hôm nay (29-6).

Công dân 6 nước Hồi giáo sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ theo sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống D.Trump.


Sở dĩ sắc lệnh này được khôi phục một phần vì phán quyết của tòa cho phép những người trong diện nêu trên nếu có mối liên hệ hợp pháp với các cá nhân và tổ chức ở Mỹ thì vẫn được nhập cảnh vào Mỹ. Đó là các đối tượng như sinh viên có giấy nhập học, người lao động có hợp đồng hay thân nhân của những người định cư hợp pháp tại Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump có 3 tháng tạm đóng cửa biên giới với một số quốc gia Hồi giáo trước khi ban hành quy định mới.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh sửa đổi tháng 3-2017 sau khi sắc lệnh đầu tiên được đưa ra hồi tháng 1 gây tranh cãi gay gắt. Sắc lệnh này quy định tạm thời dừng cấp thị thực cho người đến từ 6 nước Hồi giáo gồm Syria, Iran, Libya, Somalia, Yemen và Sudan (6 quốc gia được đưa vào danh sách bởi năng lực thông tin và rà soát của họ không đạt tiêu chuẩn an ninh Mỹ). Tuy nhiên, không lâu sau khi được ban hành, nhiều tòa cấp dưới đã ra phán quyết “đóng băng” toàn bộ sắc lệnh vì cho rằng văn kiện trên có nội dung phân biệt tôn giáo, vi phạm Hiến pháp.

Nhưng thật bất ngờ, đến tháng 4 vừa qua, xu hướng ủng hộ sắc lệnh này tăng lên ở nhiều tiểu bang, thậm chí có bang ủng hộ đảng Dân chủ cũng rút khỏi danh sách phản đối. Các quan điểm ủng hộ lập luận rằng, Tổng thống Mỹ có quyền triển khai chính sách người nhập cư và sắc lệnh trên là cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố. Nhiều nhà phân tích cho rằng, xu thế thay đổi quan điểm từ các tiểu bang có thể là do nội dung sắc lệnh đã được điều chỉnh linh hoạt và mềm dẻo hơn.

Sau khi tòa án phán quyết khôi phục một phần sắc lệnh, Nhà Trắng đã ra tuyên bố rằng đây là hành động vì "an ninh quốc gia", tạo điều kiện để Tổng thống sử dụng "một trong những công cụ quan trọng" bảo vệ an ninh cho nước Mỹ. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng khẳng định, sẽ áp dụng lệnh cấm nhập cảnh tạm thời một cách hiệu quả và minh bạch.

Dĩ nhiên, phe phản đối chính sách này tiếp tục lên án quyết định của Tòa án Tối cao. Chủ tịch Ủy ban Giải cứu quốc tế (IRC) David Miliband đã kêu gọi Chính phủ Mỹ nhanh chóng đánh giá lại tiến trình hiệu chỉnh sắc lệnh. Một số quan chức tư pháp các tiểu bang cho rằng, dù phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh mới đã thu hẹp, nhưng về cơ bản văn kiện này vẫn là một thách thức đối với nền tảng dân chủ khi có sự phân biệt tôn giáo. Nhiều tòa án bang đã ra phán quyết ngăn chặn việc triển khai sắc lệnh này.

Dù có thể còn chưa trọn vẹn, song phán quyết của Tòa án Tối cao được coi là một thắng lợi pháp lý có ý nghĩa lớn đối với những nỗ lực của Nhà Trắng, đánh dấu một chiến thắng hiếm hoi cho Tổng thống Donald Trump. Chính ông Trump cũng ca ngợi đây là một chiến thắng rõ ràng cho nền an ninh quốc gia. “Trách nhiệm lớn lao của tôi là phải bảo vệ sự an toàn cho người dân Mỹ. Phán quyết của tòa án là một công cụ quan trọng giúp tôi bảo vệ nước Mỹ. Tôi cực kỳ hài lòng về phán quyết của tòa án”, ông Donald Trump nói.

Thùy Dương