Niềm vui ở bên các Anh hùng liệt sĩ

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:12, 30/06/2017

(HNM) - “Làm nghề nào, quen nghề đó. Làm mãi, rồi thấy không thể thiếu. Công việc quản trang của tôi cũng vậy. Điều quan trọng là chúng tôi luôn được ở bên cạnh các Anh hùng liệt sĩ…” - ông Lường Văn Nghĩa, quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) bộc bạch...


Từ sợ đến yêu nghề...

Hơn 22h…! Không gian Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 chìm trong tĩnh lặng. Dẫn chúng tôi đi thắp hương các liệt sĩ, ông Lường Văn Nghĩa kể: "Thấm thoắt đã hơn 13 năm tôi gắn bó với nơi đây. Hồi mới làm cũng có cảm giác sờ sợ mỗi khi đêm xuống vì khung cảnh quá vắng lặng. Lúc đó, Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 chưa được trang bị hệ thống chiếu sáng, tường rào như bây giờ. Dẫu vậy, bất kể mưa, rét, cứ quá nửa đêm, tôi lại đi kiểm tra xem có người lạ vào nghĩa trang hay không…”.

Ông Lường Văn Nghĩa quét dọn Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1.


Ông Lường Văn Nghĩa vốn là lính Sư đoàn 379. Cách đây hơn 13 năm, ông vào làm việc ở Tổ quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1. Ở đây, ông là người duy nhất trực đêm, hầu như không thiếu đêm nào trong năm. Trong hơn 13 năm, họa hoằn lắm ông mới nghỉ trực. Cứ đến 19h hằng ngày, sau bữa cơm cùng gia đình, ông lại đến nghĩa trang... Ban ngày, ông phụ trách cắt tỉa cây, cắt cỏ, quét dọn… Vợ ông cũng làm nghề quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập và cùng thuộc Tổ quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ (Phòng Chính sách, Thương binh, Liệt sĩ và Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên). Tổ có 15 người, được phân công làm việc ở 4 nghĩa trang (3 nghĩa trang cấp quốc gia, 1 nghĩa trang cấp tỉnh với gần 7.000 phần mộ, trong đó có 177 phần một liệt sĩ của Hà Nội đã được xác định danh tính), thì có tới 4 cặp vợ chồng, trong đó có vợ chồng ông Nghĩa. Nhờ vậy, các gia đình dễ chia sẻ những khó khăn của công việc mà họ đang làm.

Trong Tổ quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ cũng có một người khá nổi tiếng, đó là ông Vương Xuân Thẩm, Tổ trưởng Tổ quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập. Ông từng quyết định rời bỏ công việc Trưởng ban Văn hóa xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) để làm quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập vào năm 2011. Nhiều người tiếc nuối, vì công việc ở xã có thể giúp ông thăng tiến, nhưng ông không ân hận với quyết định của mình. Nhờ có ông, Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập đã trở thành nghĩa trang đẹp nhất tỉnh Điện Biên. Giống như gia đình ông Nghĩa, vợ chồng ông Thẩm cũng làm nghề quản trang.

Câu chuyện của Tổ trưởng Tổ quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 Nguyễn Thị Nhung lại khác. Đến nay, bà đã có 23 năm làm nghề quản trang. Không kể hơn một năm làm việc ở Nghĩa trang Him Lam, phần thời gian còn lại của bà gắn với Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1. Khi còn là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, cô gái người Điện Biên Nguyễn Thị Nhung cũng chẳng nghĩ đến chuyện có ngày sẽ theo nghề quản trang. Ra trường, bà về quê làm công việc chống dịch. Do đặc thù công việc phải đi huyện nhiều, không có thời gian chăm sóc con nhỏ nên bà chuyển sang Trung tâm Cai nghiện của tỉnh làm việc. Song, công việc ở đây cũng liên tục phải xa nhà. Vì thế bà Nhung quyết định chuyển về làm quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1. Đó là cả một quyết định khó khăn, khi bố mẹ đẻ, rồi chồng đều không đồng ý. Tất cả đều không hiểu lý do vì sao một người học ngành Y lại chuyển sang làm nghề quản trang. Bản thân bà Nhung cũng phải mất hơn 5 năm mặc cảm về công việc của mình mỗi khi tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa, cùng lớp học. Nhưng có lẽ, đấy là cái duyên. Bố bà cũng từng tham gia những trận đánh ác liệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ và giờ đây, bà được chăm sóc những phần mộ, là những đồng đội của bố đã ngã xuống trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

"Ngôi nhà" thứ hai

Bà Nguyễn Thị Nhung cho biết, bà rất tự hào với công việc chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ. Công việc tưởng như giản đơn, ít được chú ý trong xã hội nhưng mang đến cho bà nhiều điều. Đó là cơ hội được chăm sóc những phần mộ liệt sĩ để khiến bà tin rằng, mình có mối liên hệ vô hình với những thế hệ cha, chú đã ngã xuống nơi đây. Đấy là tình cảm chân thành, những lời cảm ơn không khách sáo của thân nhân liệt sĩ, khi họ chứng kiến phần mộ của người thân được chăm sóc chu đáo. Là những buổi tối tất tả, chạy từ nhà ra mở cửa nghĩa trang đón khách vào viếng muộn. Rồi những lần giúp người thân của liệt sĩ trong Nghĩa trang Đồi A1 thay đổi quyết định để hài cốt người thân tại đây, thay vì đưa về quê nhà. Những khi ấy, bà Nguyễn Thị Nhung chỉ bảo rằng: “Gia đình hãy chờ một đêm để cân nhắc giữa một nơi mà phần mộ người thân luôn được hương khói, chăm sóc và một nơi mà họ hiếm có cơ hội được chăm sóc như ở đây. Cuối cùng thì họ đã thay đổi ý định. Đến ngày giỗ thân nhân, họ lại nhờ chúng tôi thắp hộ nén hương, mua chút hoa quả đặt lên mộ liệt sĩ. Đó là thứ hạnh phúc khó diễn tả bằng lời”.

Thế nên, dù công việc ở Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 rất bận rộn, vào dịp cao điểm, mỗi ngày đón tới 20 - 30 đoàn khách, nhưng các quản trang vẫn nhiệt tình phục vụ, giúp các đoàn khách từ sắp xếp đồ lễ, hoa viếng… Có thời điểm, công việc nhiều, mỗi ngày các quản trang chỉ ngủ chừng 2 - 3 tiếng. Đam mê công việc đến nỗi, chị Hoàng Thị Hồng Minh, quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 còn được người nhà phong làm “Giám đốc”, do mỗi dịp gia đình tổ chức liên hoan, giỗ, Tết, chị không thể dành quá nhiều thời gian cùng mọi người lo lắng, chuẩn bị cỗ bàn, có khi chỉ về được vào giờ ăn. Chị Minh tâm sự, chẳng vui gì với “chức danh” này, nhưng điều quan trọng là được người nhà chia sẻ, nên chị càng có động lực làm việc.

Cũng giống như các đồng nghiệp, quản trang Vương Xuân Thẩm rất hài lòng với công việc của mình, bởi lẽ, chăm sóc cảnh quan, thắp hương được cho các liệt sĩ ở Nghĩa trang Độc Lập khiến ông có cảm giác làm được điều tốt đẹp trong đời. Có một điều được các quản trang nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đó là “họ đều coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình”, luôn ở bên cạnh các Anh hùng liệt sĩ. “Đầu năm nay, có hai chị ở Tổ quản trang nghỉ hưu. Các chị thường xuyên gọi điện cho tôi bảo rằng, nhớ công việc tại nghĩa trang quá. Có lẽ tôi và các anh, chị em ở đây rồi cũng vậy. Không dễ để thích nghi với cuộc sống thiếu vắng đi công việc mà bản thân yêu thích” - Tổ trưởng Tổ quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 Nguyễn Thị Nhung bộc bạch.

Minh An