Kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu của Hà Lan

Công nghệ - Ngày đăng : 06:38, 02/07/2017

(HNM) - Là một quốc gia nằm dưới mực nước biển, được coi là “vùng trũng” của Châu Âu, Hà Lan chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Thống kê cho thấy 2/3 diện tích quốc gia này nằm ở khu vực dễ ngập lụt, trong khi mật độ dân số lại khá cao.


Ngay từ thời điểm những người dân đầu tiên định cư tại đây, việc chinh phục thiên nhiên đã được coi là yếu tố sống còn. Hệ thống đê điều, kè biển, cửa cống và cửa chắn lụt được ví như kỳ quan thế giới, là niềm tự hào của người dân Hà Lan.

Tuy nhiên, tư duy của người Hà Lan đã hoàn toàn thay đổi sau khi lũ lụt buộc hàng trăm ngàn người phải sơ tán trong những năm 1990. Thay vì chinh phục và đánh bại thiên nhiên, họ học được cách “sống chung với lũ”, tranh thủ nguy cơ từ biến đổi khí hậu để tạo cơ hội phát triển. Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Hà Lan lại trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc hiện thực hóa các biện pháp đối phó với hiểm họa toàn cầu này.

Nguyên tắc chính được quốc gia này áp dụng là chuẩn bị thật tốt cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Các công trình như công viên, hầm để xe, trung tâm thương mại được xây dựng để phục vụ cuộc sống hằng ngày, nhưng cũng có thiết kế nhằm tăng gấp đôi diện tích chứa nước phòng khi nước từ biển, ao, hồ tràn vào. Một trong các dự án nổi bật là khu vực Eendragtspolder rộng gần 90.000m2. Trong điều kiện bình thường, nơi đây được sử dụng cho các hoạt động dưới nước như đua thuyền, bơi lội... Trường hợp khẩn cấp, Eendragtspolder sẽ đóng vai trò là một bể chứa nước khổng lồ nhằm hạn chế thiệt hại của lũ lụt từ sông Rotte và sông Rhine.

Eendragtspolder chỉ là một trong số hàng chục dự án “không gian sông ngòi” trên toàn Hà Lan, thay đổi hoàn toàn phương thức truyền thống là xây đập, kè bờ để lấn đất từ sông và kênh rạch. Ngoài ra, người dân Hà Lan cũng được trang bị những kỹ năng ứng phó cần thiết. Một ứng dụng GPS quốc gia đã được tạo ra để người dân luôn biết chính xác mực nước biển hiện tại. Trẻ em cũng học được cách bơi thành thạo, dù mặc nguyên quần áo, giày dép và sẽ được cấp chứng chỉ.

Nhiều đoàn công tác từ các thành phố lớn trên thế giới như TP Hồ Chí Minh (Việt Nam), New York (Mỹ), Jakarta (Indonesia)... đã tới Rotterdam để học hỏi kinh nghiệm và ký hợp đồng với các công ty kỹ thuật công nghệ cao và thủy lợi. Tư vấn của chuyên gia Hà Lan cho cơ quan chức năng Bangladesh về các khu trú ẩn khẩn cấp và các tuyến đường sơ tán đã giúp nước này giảm con số thương vong do lũ lụt trong thời gian gần đây xuống hàng trăm thay vì hàng ngàn người.

Người Hà Lan tin rằng, một thành phố thông minh phải có tầm nhìn toàn diện, vượt ra ngoài những khuôn khổ định sẵn. Đây cũng chính là thông điệp mà đất nước của những chiếc cối xay gió muốn đưa ra thế giới. Biến đổi khí hậu nếu được giải quyết từ căn bản sẽ làm nên một quốc gia vững mạnh và thịnh vượng. Nếu thế giới không nghiêm túc nhìn nhận và đối phó với cuộc khủng hoảng này, cái giá phải trả không chỉ là vật chất mà còn là tính mạng con người.

Minh Hiếu