Thêm "sắc màu" cho giáo dục di sản

Giáo dục - Ngày đăng : 07:24, 02/07/2017

(HNM) - Một lớp học vang tiếng đọc vè của trẻ nhỏ; một khoảng sân với nhóm học sinh say mê tô màu, dán giấy… là những gì du khách dễ dàng bắt gặp ở nhiều di tích văn hóa, lịch sử thời gian gần đây.

Học sinh Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) trong chuyến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.


Hướng tiếp cận mới

Những ai từng nghĩ giáo dục di sản mang nặng tính hình thức, “một màu” và cứng nhắc hẳn sẽ phải thay đổi quan niệm khi chứng kiến một buổi học của cô trò Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (Đống Đa) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày qua. Không còn vận hành theo quy trình tham quan một chiều và thụ động, “tour” khám phá, tìm hiểu di tích mới đã phát huy tính ưu việt khi kích thích sự tò mò, khơi dậy đam mê khám phá ẩn sâu trong từng bạn nhỏ bấy lâu.

Từng tốp, từng tốp học trò hào hứng lắng nghe lời hướng dẫn viên, hăng hái giơ tay phát biểu, giải đáp câu hỏi, tích cực hoàn thành bài tập nhóm… "Đó là những điều không mấy khi có được ở các buổi tham quan di tích trước đó" - cô giáo Nguyễn Kim Toàn, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, chia sẻ.

Đây là kết quả của chương trình thí điểm thực hành tham quan theo hướng tiếp cận mới do Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) phối hợp tổ chức. Chương trình đề cao tính chủ động, hòa mình và sáng tạo nhằm bồi đắp kiến thức, tình yêu di sản một cách bền vững cho trẻ nhỏ với các hoạt động trước, trong và sau tham quan.

Cụ thể, trước tham quan, trẻ được khuyến khích tự tìm những hình ảnh, câu chuyện về điểm đến với sự hỗ trợ của giáo viên, phụ huynh; cùng trao đổi, chia sẻ thông tin với bạn học. Trong tham quan, từng nhóm trẻ sẽ tiếp cận với di sản theo các chủ đề được thiết kế phù hợp với khả năng tiếp thu ở từng độ tuổi. Sau tham quan là những giờ làm bài thu hoạch nhưng sáng tạo, hấp dẫn hơn như: Tập làm bút tre, ống quyển; vẽ, nặn tượng khuê văn các, linh vật…

Chị Hoàng Tuyết Hương, cán bộ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho hay: “Hơn 10 tour khám phá di tích được thiết kế theo góc nhìn, khả năng cảm nhận của từng độ tuổi, cộng thêm yếu tố “học mà chơi, chơi mà học” duy trì xuyên suốt chương trình, giúp đối tượng giáo dục di sản cảm thụ bài học lịch sử một cách tự nhiên nhất. Bước đầu thí điểm với một số trường học trên địa bàn các quận Đống Đa, Cầu Giấy, chương trình đã nhận được phản hồi rất tích cực. Học sinh tham gia không chỉ bảo đảm kiến thức cơ bản về nơi tham quan mà còn thể hiện sự quan tâm, tình yêu, niềm tự hào dành cho di sản”.

Cần sự tương tác từ các nhà trường

Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám không phải đơn vị duy nhất mạnh dạn thử nghiệm những chương trình mới, nhằm thay đổi tình trạng “một màu” trong hoạt động giáo dục di sản. Trước đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng đã khởi động chương trình “Em làm nhà khảo cổ” tại Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu với không gian khám phá bổ ích, hoạt động trải nghiệm đa dạng cùng sự tương tác chặt chẽ với hướng dẫn viên. Một chương trình khác để lại nhiều dấu ấn là Dự án tham quan di sản chùa Láng và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Những chương trình kể trên ít nhiều đã gặt hái được thành công bước đầu, tuy nhiên, để “đi được đường dài”, bên cạnh sự nỗ lực đổi mới của những người làm công tác bảo tàng, di tích, còn cần dựa vào nhiều yếu tố khác.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho hay: Giáo dục di sản muốn phát huy hiệu quả, bên cạnh việc đổi mới phương pháp tiếp cận, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, cái khó là thời gian dạy và học của các trường đều kín. Với chương trình giáo dục di sản mới của trung tâm, giáo viên các trường phải tranh thủ thời gian nghỉ trưa, giờ ra chơi để tìm hiểu, lên khung chương trình phối hợp với di tích, vận dụng thời gian phù hợp để hướng dẫn học sinh.

Nếu giáo viên thiếu tâm huyết, nhà trường không tạo điều kiện, hiệu quả của chương trình giáo dục di sản sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Giống như Dự án tham quan di sản chùa Láng và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, dù được đánh giá rất cao, nhưng sau khi kết thúc thời gian thử nghiệm, chương trình cũng phải dừng lại vì không có đơn vị nào tiếp nhận, triển khai.

Đồng quan điểm trên, đại diện Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng thừa nhận, do quỹ thời gian eo hẹp, sự thiếu liên kết giữa các bên mà các đợt tham quan của học sinh thường tranh thủ vào thời gian nghỉ học kỳ. Số lượng học sinh tham quan đông nên việc tiếp thu kiến thức “được chăng hay chớ”.

Ngay như chương trình “Em làm nhà khảo cổ” của trung tâm được triển khai từ năm 2013 nhưng chỉ mới khởi động lại từ cuối năm 2016 do thiếu người tham gia. Bà Hoàng Thị Yến, Trưởng phòng Truyền thông Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cho rằng, các cơ sở giáo dục cần có cái nhìn đúng đắn hơn, đánh giá đúng vai trò của công tác này, từ đó có sự phối hợp, hỗ trợ cần thiết cho hoạt động giáo dục di sản. 

Thanh Thủy