"Tam giác vàng" vẫn nóng

Hồ sơ - Ngày đăng : 06:41, 02/07/2017

(HNM) - Nhân Ngày thế giới phòng chống ma túy (26-6) do Liên hợp quốc phát động, Thái Lan và Myanmar vừa tiến hành tiêu hủy lượng ma túy lớn có trị giá lên tới gần 1 tỷ USD. Đây là thành quả sau một năm truy quét tội phạm ma túy và thu giữ lượng chất cấm kỷ lục.


Giới chức Myanmar cho biết, lượng ma túy tiêu hủy trong lần này lớn nhất lịch sử, bao gồm cả thuốc phiện, heroin, cocaine và ma túy đá (Methamphetamine) với tổng trị giá lên tới 385 triệu USD. Về phần mình, Thái Lan cũng tiêu hủy 7.800kg Yaba hay còn gọi là “ma túy điên” (hợp chất giữa ma túy đá và caffeine), 1.185kg thuốc lắc Ecstasy, thuốc phiện, heroin, cần sa và ma túy đá (tổng trị giá khoảng 589 triệu USD) tại một khu vực ở ngoại ô Thủ đô Bangkok. Ngoài hai quốc gia nói trên, Campuchia cũng đã xử lý 130kg ma túy các loại, ước tính trị giá khoảng 4 triệu USD.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng Thái Lan và Myanmar cho biết đây mới là phần nổi của tảng băng chìm, bởi hầu hết tội phạm bị bắt giữ thời gian qua vẫn chỉ là một "mắt xích" trong đường dây. Trong khi đó, các “ông trùm” vẫn tiếp tục tổ chức sản xuất ma túy, đồng thời mở rộng hoạt động cả về quy mô và cách thức. Hoạt động của nhóm tội phạm này là "đáp ứng" nhu cầu chất gây nghiện đang ngày càng tăng tại các khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ và Bangladesh.

Đầu tháng 6 vừa qua, Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) cũng lên tiếng cảnh báo hoạt động sản xuất của các băng nhóm ma túy ở khu Tam giác vàng khét tiếng (rộng 950.000km2 nằm giữa ba nước Myanmar, Lào và Thái Lan) đang dần sôi động trở lại. Chỉ trong vòng 8 năm qua, khu vực này đã chứng kiến sự xuất hiện của 168 loại ma túy mới.

Trong đó, nhiều loại được điều chế bằng những chất vẫn chưa bị cấm như Fentanyl (dùng điều chế thuốc giảm đau). Tới nay, báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy Đông Nam Á vẫn là điểm nóng về ma túy đá. Myanmar vẫn là nước sản xuất các chất ma túy lớn nhất thế giới...

Để đối phó với thực trạng này, thời gian qua các quốc gia ASEAN, đặc biệt là những nước xung quanh khu vực Tam giác vàng đã đẩy mạnh công tác chia sẻ thông tin, đồng thời hợp tác triệt phá nhiều đường dây buôn ma túy. Tổng Thư ký Ủy ban Kiểm soát ma túy Thái Lan (ONCB) Sirinya Sitthichai cho biết, nước này đang triển khai hàng loạt kế hoạch nhằm "đánh" vào mạng lưới buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Năm 2016, Myanmar đã truy tố hơn 13.500 cá nhân với tội danh liên quan tới ma túy (tăng 50% so với năm 2015), trong đó có cả đối tượng là cảnh sát và nhà sư.

Về phần mình, Chính phủ Lào mới đây cũng thông báo bắt giữ 5 thủ lĩnh của các băng nhóm buôn lậu ma túy lớn. Đây là một phần trong chiến dịch chống ma túy mà Thủ tướng Thongloun Sisoulith phát động hồi tháng 9-2015. Đáng chú ý, trong số này có Xaysana Keopimpha, vốn được mệnh danh là “ông trùm ma túy ASEAN” và Khonepasong Soukkaseum (Xiengtheu), kẻ đứng đầu mạng lưới phân phối ma túy lớn nhất tại Lào.

Hoàng Khuê