Cần rõ trách nhiệm và tiêu chí
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:28, 03/07/2017
Từ nhiều năm qua, TP Hà Nội đã triển khai việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nói cách khác là thực hiện chuyển quyền sử dụng đất ở từ Nhà nước cho người dân để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Tuy nhiên đến nay, công tác này rất chậm, và tiếc là nhiều nguyên nhân chậm trễ lại xuất phát từ chính công tác quản lý.
Tại cuộc giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội hồi đầu tháng 4 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng đã thừa nhận: Công tác bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là "sản phẩm tổng hợp" của nhiều ngành, nhiều cấp nên việc phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả; trình tự, thủ tục, hồ sơ, giá mua nhà chưa thống nhất, phức tạp nhưng việc ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn chậm. Ngay cả đơn vị “chủ công” là Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cũng bị đánh giá là giải quyết các thủ tục không bảo đảm thời gian theo quy trình bán nhà 45 ngày làm việc...
Vậy là đã rõ, muốn đẩy nhanh tiến độ bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì trước hết cần “khai thông” về trách nhiệm, tức là cần phân định rõ khâu nào thuộc đơn vị nào, tiêu chí, điều kiện thực hiện ra sao, ai chịu trách nhiệm nếu để xảy ra chậm trễ. Đặc biệt là trách nhiệm của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã không thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bởi thế - mới có một chuyện thật như đùa ở ngay giữa trung tâm thành phố: Căn biệt thự ở 27 Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm) đã phá dỡ toàn bộ và xây dựng lại thành một khu chung cư kết hợp làm trụ sở cơ quan phường Phan Chu Trinh từ khá lâu. Thế nhưng, chủ một căn nhà lẻ cạnh đó được xây dựng trên khu vệ sinh của căn biệt thự xưa - có đơn xin mua nhà theo Nghị định 61- NĐ/CP từ nhiều năm nay, nhưng chỉ nhận được câu trả lời từ cơ quan quản lý là: "Nhà thuộc diện biệt thự, không được bán" (!?)
Tất nhiên, ở đây vai trò không chỉ là của riêng TP Hà Nội, mà còn của Bộ Xây dựng cũng như một số đơn vị trung ương đang quản lý, sử dụng nhà sở hữu nhà nước. Thời gian qua, quá trình thực hiện đã nảy sinh rất nhiều vướng mắc. Thế nhưng xem ra sự vào cuộc để tháo gỡ của Bộ Xây dựng còn khá chậm. Ví như đến nay vẫn chưa có hướng dẫn, tháo gỡ một số vướng mắc về thời điểm và thẩm quyền xác nhận việc bố trí, phân phối nhà ở cho cán bộ công nhân viên của các cơ quan diện tự quản trước đây làm căn cứ để tính tiền bán nhà. Mặc dù, cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đã “xin” cơ chế tháo gỡ.
Ở góc độ khác, cũng cần quyết liệt yêu cầu các cơ quan, đơn vị tự quản bàn giao quỹ nhà, đất về thành phố quản lý theo quy định. Đồng thời tăng cường tuyên truyền chính sách, vận động người dân hiểu về sự cần thiết, lợi ích của việc bàn giao, chuyển quyền sở hữu; cần thiết có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế bàn giao (nhà ở nằm trong quy hoạch, khu bảo tồn...).
Hiện nay Sở Xây dựng Hà Nội đã ra “tối hậu thư” sau ngày 30-12-2017, nếu các cơ quan tự quản của Trung ương và Hà Nội không bàn giao nhà đất, Sở sẽ từ chối tiếp nhận. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một động thái “cảnh báo”. Để sớm giải quyết triệt để các vướng mắc trong việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước thì trước tiên vẫn cần phải thực hiện tốt nguyên tắc: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”. Công việc đó - trước hết vẫn lại thuộc cơ quan chức năng của thành phố.