Phép thử cho Thủ tướng Anh
Thế giới - Ngày đăng : 06:53, 03/07/2017
Thủ tướng T.May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Hạ viện Anh. |
Thực tế, Thủ tướng Anh T.May đã chịu nhiều áp lực kể từ sau khi đảng Bảo thủ của bà không giành được đa số quá bán tại Quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 8-6 vừa qua. Theo một công bố hồi cuối tháng 6 của Ngân hàng Citibank (Mỹ), chính phủ thiểu số của Thủ tướng T.May rất thiếu bền vững, trong khi phải đối mặt với áp lực từ một cơ quan lập pháp đầy mâu thuẫn. Các đảng phái khác sẽ liên tục thách thức vị trí lãnh đạo của đảng cầm quyền, đặt ra nguy cơ xứ Sương mù sẽ phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử khác trong vòng 12 tháng tới.
Sự chia rẽ trên chính trường Anh thể hiện rõ ràng ngay trong cuộc bỏ phiếu thông qua bản dự thảo Kế hoạch hành động do Chính phủ soạn thảo và được Nữ hoàng Anh Elizabeth công bố hôm 21-6. Văn kiện này đã gây ra khá nhiều tranh cãi, cả về mặt nội dung lẫn cách thức mà nó được vận động để thông qua. Bản dự thảo nêu bật trọng tâm của Chính phủ mới đối với vấn đề Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, những nỗ lực để ban hành các văn bản luật nhằm giúp nước Anh chia tay EU một cách "suôn sẻ và trật tự".
Dẫu vậy, dự thảo bị các chính đảng khác chỉ trích là quá chú trọng đến Brexit mà không quan tâm đến các vấn đề quan trọng của đất nước như khủng hoảng dịch vụ công, thiếu ngân sách cho các hoạt động của cảnh sát, y tế, giáo dục công cũng như chính sách đầu tư… Do vậy mà văn bản này chỉ vượt qua cuộc bỏ phiếu với kết quả rất sít sao nhờ sự ủng hộ của đảng Liên minh Dân chủ (DUP) hiện đang có 10 ghế tại Hạ viện. Đổi lại, Thủ tướng T.May đã phải đưa ra rất nhiều nhượng bộ đối với DUP trong mấy ngày qua.
Theo thỏa thuận, chính đảng lớn nhất Bắc Ireland và 10 nhà lập pháp của đảng này sẽ hỗ trợ nữ chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing đạt đủ số phiếu cần thiết để duy trì quyền lực, ủng hộ chính phủ về đạo luật liên quan tới việc Anh rời EU, đạo luật liên quan tới an ninh quốc gia. Ngoài ra, DUP còn nhất trí ủng hộ chính phủ đương nhiệm trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội về vấn đề ngân sách.
Tuy nhiên, để có được sự hậu thuẫn như vậy, bà T.May đã đồng ý cung cấp cho Bắc Ireland 1 tỷ bảng Anh (1,2 tỷ USD) trong vòng 2 năm tới, cùng với những điều khoản “linh hoạt mới” cho việc giải ngân gói tài chính trị giá 500 triệu bảng đã được cam kết cho Bắc Ireland từ trước. Ngoài ra, Chính phủ cũng cam kết sẽ làm việc với các đảng phái tại Bắc Ireland để khôi phục Hội đồng lập pháp tại vùng lãnh thổ này.
Các nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận giữa đảng Bảo thủ và DUP sẽ giúp Thủ tướng T.May thông qua các dự luật được trình lên Quốc hội cũng như tiếp tục nắm vị trí chủ động trong nỗ lực đàm phán về quá trình Anh rời EU. Song, sự liên kết này vẫn chưa đủ sức củng cố vị thế của nữ thủ tướng sau một loạt những chỉ trích gần đây liên quan đến vấn đề khủng bố, bảo đảm an toàn cho khu dân cư, cũng như các đề xuất về Brexit thiếu tính khả thi của bà. Hiện các thành viên trong nội các Anh đang rất phân tán về việc nhà lãnh đạo đất nước sẽ lựa chọn cách nước Anh rời EU như thế nào. Do đảng Bảo thủ cầm quyền đã không giành được đa số ghế tại Hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, quan điểm về một Brexit "cứng" của bà T.May trở nên bấp bênh.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, một khi đã vượt qua cuộc "bỏ phiếu tín nhiệm" cuối tháng 6 vừa qua, bà T.May sẽ tại vị lâu dài hơn những lời đồn đoán. Thực tế ra sao còn cần thời gian trả lời nhưng trước mắt việc Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua dự thảo Kế hoạch hành động của Chính phủ đã là một sự cổ vũ cần thiết để nhà lãnh đạo xứ Sương mù tiếp tục chèo lái đất nước trong thời gian tới.