Càng chậm, người dân càng thiệt
Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 03/07/2017
Khu vực (X) là diện tích sẽ xây dựng Trạm biến áp 110kV Phú Xuyên. |
Dự án quan trọng, cấp bách
Hiện nay, huyện Phú Xuyên chưa có Trạm biến áp 110kV nên nguồn điện phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng cung cấp điện của Trạm biến áp 110kV Tía, huyện Thường Tín. Trong năm 2017 và các năm tiếp theo, Trạm biến áp 110kV Tía chỉ đủ năng lực cung cấp điện cho huyện Thường Tín và một phần nhu cầu huyện Phú Xuyên. Nếu kéo dài tình trạng này có khả năng xảy ra sự cố, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt của người dân. Việc xây dựng Trạm biến áp 110kV Phú Xuyên vì thế có ý nghĩa cấp thiết, đặc biệt khi đô thị vệ tinh Phú Minh và công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội hình thành và hoạt động mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ích lợi như vậy, nhưng khi các cơ quan chức năng tiến hành triển khai thực hiện dự án tại xứ đồng Thạng Nội, tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, một số hộ dân lấy cớ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dân để phản đối, cản trở dù các cái "cớ" này đã được cơ quan chức năng đã trả lời, giải thích rõ ràng. Cụ thể, vị trí xây dựng trạm biến áp đúng với quy hoạch phát triển điện lực thành phố giai đoạn 2011 - 2015 có xét đến năm 2020 và đúng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Các cơ quan chức năng cũng đưa ra dẫn chứng quan trắc khoa học, thực tế, dẫn các quy định cụ thể khẳng định việc xây dựng trạm biến áp không ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe người dân.
Tuy nhiên, trên cơ sở kiến nghị của nhân dân, từ ngày 12-12-2016 đến 14-1-2017, Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn Phú Xuyên đã triển khai các hội nghị để giới thiệu dự án, phương án điều chỉnh và xin ý kiến người dân về vị trí mới đặt trạm biến áp. Theo đó, vị trí đặt trạm biến áp là ở cánh đồng Chéo B, tiểu khu Mỹ Lâm. Vị trí này cũng hoàn toàn phù hợp với các quy hoạch, xa khu dân cư hơn so với nếu đặt ở xứ đồng Thạng Nội. Ngày 27-3-2017, UBND thành phố đã có công văn chấp thuận vị trí mới của dự án. Tiếc là, một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức được vấn đề và tiếp tục có hành động ngăn cản. Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện cũng đã tổ chức hai buổi đối thoại trực tiếp với người dân, giải đáp rõ ràng từng vấn đề còn thắc mắc. Thế nhưng, một nhóm người dân vẫn tụ tập ngăn cản lực lượng chức năng.
Đặc biệt, ngày 26-6-2017, khi UBND huyện phối hợp với Ban Quản lý lưới điện thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Công ty tư vấn thực hiện công tác khảo sát, đo vẽ bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500 tại vị trí cánh đồng Chéo B thì có khoảng 50 người quá khích có hành vi hò hét, gây rối trật tự công cộng, cản trở công việc. Công an huyện Phú Xuyên đã lập biên bản xử lý hành chính đối với 14 trường hợp quá khích, lưu ý nếu tái phạm, sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm lợi ích số đông
Giám đốc Công ty Điện lực Phú Xuyên Nguyễn Tuấn Anh cho biết, do sử dụng điện qua Trạm biến áp 110kV Tía, lại ở cuối nguồn nên chất lượng điện áp ở Phú Xuyên không bảo đảm. Cũng vì phải dùng “nhờ” nên Điện lực Phú Xuyên không chủ động được phương thức cấp điện để phục vụ dân sinh, bảo đảm các hoạt động chính trị xã hội. Việc bảo đảm điện phục vụ sản xuất, kinh doanh càng khó khăn hơn. Do vậy, triển khai dự án Trạm biến áp 110kV Phú Xuyên càng sớm càng có ý nghĩa.
Phần lớn người dân ở tiểu khu Mỹ Lâm cũng đồng tình và đề nghị sớm triển khai dự án. Bí thư Đảng ủy thị trấn Phú Xuyên Hoàng Minh Giang khẳng định, tại các hội nghị của Đảng ủy, UBND, các ngành, đoàn thể, chi bộ, tiểu khu Mỹ Lâm; toàn bộ 464 đảng viên của thị trấn, trong đó có 87 đảng viên Chi bộ tiểu khu Mỹ Lâm đều thống nhất rất cao đối với việc xây dựng dự án; khẳng định việc đầu tư xây dựng là hết sức cần thiết.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, cư dân tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên cho rằng, trong xu thế đất nước đang đi lên, phát triển mà Phú Xuyên không có nguồn điện để phục vụ cho nhu cầu đời sống sinh hoạt, cũng như phát triển kinh tế, khu công nghiệp... thì rõ ràng là thụt lùi. Về lo lắng của một số người dân cho rằng việc xây dựng trạm điện 110kV sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, theo ông là không có căn cứ, bởi nhiều hộ gia đình ở xã Tô Hiệu, xã Văn Bình - huyện Thường Tín có nhà ở, có ruộng sản xuất gần trạm biến áp (trong phạm vi an toàn như quy định), nhưng họ vẫn sống ổn định, vẫn canh tác bình thường.
Ông Bùi Xuân Tề, 89 tuổi, đảng viên 70 năm tuổi Đảng, tiểu khu Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên kiến nghị, đến nay mới triển khai xây dựng Trạm biến áp 110kV cho Phú Xuyên đã là quá chậm, nên rất cần đẩy nhanh tiến độ để dự án sớm được hoàn thành, mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống sinh hoạt cho nhân dân.
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên Nguyễn Viết Hải: Cả tiểu khu Mỹ Lâm có khoảng 3.800 nhân khẩu thì chỉ có hơn 40 người chưa đồng thuận và có hành vi gây rối, ngăn cản việc triển khai dự án.
Như vậy, có thể thấy, lợi ích được sử dụng nguồn điện bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của số đông người dân, trước hết là ở tiểu khu Mỹ Lâm nói riêng, huyện Phú Xuyên nói chung đang bị ảnh hưởng chỉ vì một nhóm người. Không thể vì nhận thức, lợi ích của một nhóm mà làm ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của cả cộng đồng dân cư. Rõ ràng, càng chậm triển khai dự án, người dân địa phương càng chịu thiệt.
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa khẳng định, huyện sẽ quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, thuyết phục, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để đầu năm 2018 triển khai xây dựng công trình, phấn đấu sau 6 tháng sẽ cấp điện phục vụ dân sinh, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Ông Phạm Quang Mạnh, thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín: Gia đình tôi đã sống ở gần Trạm biến áp 110kV Tía hơn 20 năm. Chúng tôi cũng như các hộ dân xung quanh ở rất gần trạm biến áp nhưng chưa thấy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Bà Đặng Thị Thanh, thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín: Gia đình tôi cũng đã sống gần trạm điện hơn chục năm, nhưng không ai có dấu hiệu bị ảnh hưởng đến sức khỏe. |