Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn

Kinh tế - Ngày đăng : 06:31, 03/07/2017

(HNM) - Sáu tháng đầu năm nay, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài gồm đăng ký cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần đã có mức tăng trưởng cao, thực chất và bền vững. Điều này khẳng định Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã thu hút 19,22 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 6 tháng vừa qua, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khẳng định đầu tư nước ngoài tiếp tục là mảng sáng nhất của bức tranh kinh tế. Với mức vốn mới thu hút được trong 6 tháng đã gần ngang bằng kết quả của cả năm trong những năm gần đây (ở mức trên dưới 20 tỷ USD/năm).

Toàn bộ 3 nguồn vốn đầu vào đều tăng so với cùng kỳ: Vốn đăng ký mới tăng gần 58%, vốn điều chỉnh tăng 35,8% và vốn nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tăng 97,6%. Các nhà đầu tư cũng đã giải ngân hơn 7,7 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Điều đáng nói là song hành với số vốn đăng ký là cam kết, thể hiện chất lượng thực hiện các dự án cụ thể.

Từ đầu năm đến nay, đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và các dự án đã có mặt tại 60 tỉnh, thành phố; đã đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo... Một số dự án quy mô lớn như Dự án nhà máy điện BOT Nghi Sơn 2, công suất 1.200MW, với tổng vốn đầu tư 2,793 tỷ USD của Nhật Bản tại Thanh Hóa; Dự án Samsung Display tại Bắc Ninh với quyết định tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD...

Xét về cơ cấu đối tác, đã diễn ra cuộc “đổi ngôi” khi Nhật Bản vươn lên đứng thứ nhất trong số các nhà đầu tư quốc tế ở Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã đăng ký đầu tư hơn 5 tỷ USD, trong đó có một số dự án quy mô lớn là minh chứng cho quyết tâm tham gia thị trường Việt Nam kết hợp với mục tiêu đặt cơ sở sản xuất để xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Các đối tác quan trọng và truyền thống khác như Hàn Quốc, Singapore... cũng tiếp tục quan tâm, xác định Việt Nam là địa chỉ ưu tiên bỏ vốn đầu tư cho tương lai trung, dài hạn.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh là do Chính phủ đã tập trung cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, củng cố, nâng cao niềm tin vào tương lai đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Việc Việt Nam đang và sắp tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), với những ưu đãi về thuế quan, mở cửa thị trường thông qua các biện pháp thuận lợi hóa thương mại và tự do dịch chuyển dòng vốn cũng là yếu tố thuận lợi có giá trị tổng hợp để nhà đầu tư nước ngoài gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục kiên trì mục tiêu kêu gọi vốn vào lĩnh vực, dự án sử dụng công nghệ cao; dứt khoát từ chối những dự án có công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm... Thời gian tới, công tác xúc tiến đầu tư sẽ được nâng lên một bước, tinh lọc hơn; tập trung vào các tập đoàn đa quốc gia và có sức lan tỏa rộng để kết hợp với mục tiêu thu hút vốn gắn liền với sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là vấn đề chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới...

Giới đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, Việt Nam cần quyết tâm loại bỏ một số tồn tại, hạn chế để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch hơn, tôn trọng quyền lợi hợp pháp kết hợp bảo vệ doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sự cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư là mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt sẽ là yếu tố cần thiết để khuyến khích đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Hồng Sơn