Bước chuyển rõ nét từ quyết liệt đổi mới, sáng tạo
Kinh tế - Ngày đăng : 06:58, 04/07/2017
Đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2017.Ảnh: Nhật Nam |
Kết quả khá toàn diện
Thảo luận về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2017, các ý kiến khẳng định, đây là năm đầu tiên, thành phố thực hiện phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, phân cấp nguồn chi giai đoạn mới, song đã đạt kết quả đáng khích lệ. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố ước tăng 7,37%, trong đó dịch vụ tăng 7,42%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,55%; nông nghiệp tăng 2,25%;... Chỉ tiêu xuất khẩu vượt kế hoạch và cao hơn nhiều năm gần đây với giá trị kim ngạch ước đạt 5,789 tỷ USD, tăng 12,1%. Những khó khăn trong sản xuất kinh doanh được thành phố quan tâm tháo gỡ, nhờ đó môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt.
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Tổ Thanh Xuân), những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân của thành phố trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Đặc biệt, những vấn đề hóc búa của Thủ đô như quản lý quy hoạch, trật tự đô thị, ùn tắc giao thông, sắp xếp bộ máy đã được thực hiện khá quyết liệt. "Mỗi đại biểu đều cảm nhận được sự chuyển mình của Thủ đô, một Hà Nội vừa sâu lắng, văn hiến, vừa trẻ trung, năng động và tích cực hội nhập" - đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Mạnh Hải (Tổ Thường Tín) nhấn mạnh thêm, những kết quả đạt được là minh chứng cho thấy sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nỗ lực xây dựng thành phố phát triển và ổn định. Theo đại biểu Dương Đức Tuấn (Tổ Hoàn Kiếm), kết quả 6 tháng đầu năm cũng cho thấy, nhận thức của các cấp, ngành, nhất là việc bảo đảm an toàn xã hội, trật tự đô thị được nâng lên mạnh mẽ.
Hiến kế cho Thủ đô phát triển
Đánh giá cao kết quả đạt được, song đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Hoàng Mai) cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 8,5 - 9%, 6 tháng cuối năm phải đạt tăng trưởng trên 9,5%. Đây là một nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi cần có nhiều giải pháp đột phá. Đồng tình với giải pháp mà UBND thành phố đề ra trong 6 tháng cuối năm, đại biểu Phạm Đình Đoàn đề xuất 3 giải pháp liên quan đến kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại và định hướng hỗ trợ doanh nghiệp.
Đó là, xúc tiến các chương trình kích cầu tiêu dùng thông qua xúc tiến thương mại, bình ổn giá và các sản phẩm tài chính hỗ trợ người tiêu dùng, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đồng thời quan tâm đến các sản phẩm chủ lực của Thủ đô. Theo đại biểu, phải dùng “bàn tay sắt” xử lý sản phẩm không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái. Thứ hai là tăng tỷ trọng đầu tư tư nhân kết hợp với đầu tư nước ngoài, giảm đầu tư ngân sách và cuối cùng là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. "Chúng ta cần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, phấn đấu Hà Nội trở thành đầu tàu về cơ chế mở, đầu tàu đột phá về sản xuất kinh doanh" - đại biểu Phạm Đình Đoàn nói.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, vấn đề đãi ngộ nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển cũng được nhiều đại biểu đề cập. Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, Hà Nội hiện có 7,5 triệu dân và sự bùng nổ đô thị sẽ diễn ra mạnh mẽ. 5 năm qua, dân số Thủ đô tăng thêm 1,3 triệu người, chủ yếu là tăng dân số cơ học, trong khi tỷ lệ đô thị hóa mới đạt xấp xỉ 50%... Việc thành phố đưa xe quét, hút rác loại nhỏ vào vận hành hay hệ thống xe chuyên dụng cắt tỉa cây xanh, ứng dụng việc tuyển sinh qua mạng đầu cấp đã từng bước tiết giảm nhân lực, tiết kiệm ngân sách, nhưng hiệu quả công việc cao hơn. Đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, Hà Nội cần định hình khung quy chuẩn về thành phố thông minh, trong đó lựa chọn một số nhóm, lĩnh vực then chốt mang đặc trưng riêng để ứng dụng triển khai trước như: Văn hóa - du lịch, giáo dục; y tế, môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng cháy, chữa cháy…
Ở góc độ khác, đại biểu Đỗ Thị Dương (Tổ Cầu Giấy) đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm, có những chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm phát huy thế mạnh của đội ngũ trí thức vì hiện nay, thành phố đang phát triển song song cả trường công - tư, bệnh viện công - tư. Trên thực tế thu nhập, chế độ đãi ngộ hai khu vực này vẫn còn khoảng cách rất lớn, trong đó thu nhập ở khu vực nhà nước còn thấp.
Các đại biểu cũng đề nghị thành phố quan tâm phát triển các làng nghề. Hà Nội hiện có trên 1.350 làng nghề và làng nghề truyền thống. Đặc biệt, sản phẩm của làng nghề không dừng ở sản phẩm tiêu dùng hay kinh tế hộ gia đình mà cần trở thành sản phẩm tiêu biểu cho văn hóa Thủ đô. Do đó, việc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm của làng nghề sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm với một số nước trong khu vực, qua đó tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch...
Đại diện các ban của HĐND thành phố đồng tình cao với những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2017 của UBND thành phố. Theo đó, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND thành phố, trọng tâm vẫn là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Thành phố sẽ chú trọng kích cầu tiêu dùng; tăng cường nguồn lực xây dựng nông thôn mới; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện quyết liệt việc quản lý xây dựng, trật tự đô thị... Tất cả nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh.