Đổi mới để phát triển

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:18, 05/07/2017

(HNM) - Bức tranh chung của nhiều làng nghề truyền thống hiện nay là rất khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm ngay ở thị trường trong nước. Lý do được đưa ra là phần lớn các việc trong suốt quy trình sản xuất vẫn dựa vào kinh nghiệm và những “bí quyết” trao truyền trong nội bộ gia đình.

Dựa vào vốn cổ, có cái hay là người thợ thủ công đã quen mắt, quen tay, mẫu mã, kích thước được chỉnh trang một chút, nhưng vẫn dựa vào công thức, hoa văn cũ. Tính truyền thống khiến sản phẩm của mỗi làng có một nét riêng, dễ phân biệt. Tuy vậy, cái dở của việc làm này là hạn chế những sáng tạo (nhất là mẫu mã) mang tính đột phá. Nghĩa là vốn cổ thì giàu có, nhưng lại thiếu đi sự bạo dạn cách tân và điều đó ít nhiều không phù hợp với xu thế của thời đại. Đó là chưa kể đến những hệ lụy về môi trường mà rất nhiều làng nghề đang phải đối mặt song chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Do vậy, đổi mới có ý nghĩa sống còn đối với làng nghề, đặc biệt là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa”. Sức ép ấy đòi hỏi mỗi một doanh nghiệp, hộ làng nghề không chỉ là người sản xuất mà còn phải “khoác” thêm nhiều vai: Sản xuất - tiếp thị - chăm sóc khách hàng... Và con đường đúng duy nhất được thực tiễn chứng minh là tôn trọng, lấy vốn cổ làm nền tảng nhưng vẫn phải liên tục cập nhật các thành tựu mới vào tất cả các khâu của quy trình sản xuất. Đặc biệt, phải liên kết sản xuất qua mô hình hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng để chia sẻ kinh nghiệm, thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi trong những trường hợp bị xâm phạm lợi ích...

Công bằng mà nói, đến nay, không ít chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề đã được cập nhật kiến thức về công nghệ thông tin. Hơn thế, người dân ở nhiều làng nghề đã nhận thức ra tác động tích cực của việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Có thể lấy ví dụ ở làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Hiện nay công nghệ nung gốm bằng khí gas được áp dụng gần như 100% ở làng nghề, không chỉ giúp môi trường xanh, sạch, đẹp, mà còn tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao hơn, ít lỗi hơn. Các gia đình trong làng đã biết sử dụng thương mại điện tử, xây dựng website, mạng xã hội từ nhiều năm trước. Chính vì vậy, sau một quãng thời gian chật vật tìm thị trường, đến nay làng nghề Bát Tràng đã có sự tăng trưởng ổn định, theo hướng bền vững.

Rõ ràng, bản thân mỗi người thợ, mỗi làng nghề đều phải có sự đổi mới để phù hợp với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa. Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô, để các làng nghề phát triển, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hơn như về tiếp cận nguồn vốn tín dụng, giảm các thủ tục hành chính, tăng cường cho vay tín chấp, giảm lãi suất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề, tháo gỡ những chính sách không phù hợp trong tiếp cận nguồn vốn. Có chính sách khuyến khích các làng nghề đưa hàng về các vùng nông thôn, miền núi, mở rộng thị trường nội địa. Các làng nghề cần mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, trước hết tại các địa điểm nổi tiếng; củng cố cơ sở vật chất, tổ chức việc quảng bá, đào tạo hướng dẫn viên (nên sử dụng một số nghệ nhân), khắc phục các tệ nạn gây phản cảm cho khách du lịch.

Có thể khẳng định làng nghề Việt Nam không chỉ góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập mà còn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Mất làng nghề là chúng ta mất đi một phần quan trọng của văn hóa. Nếu người dân biết kết hợp thành tựu kỹ thuật tiên tiến cùng với vốn quý của truyền thống cha ông, văn hóa làng nghề sẽ trở thành "kho vàng" theo đúng nghĩa.

Đỗ Quỳnh Chi