Ùn tắc và tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp

Giao thông - Ngày đăng : 06:18, 05/07/2017

(HNM) - Sáu tháng qua, tình hình tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn diễn biến phức tạp; ùn tắc giao thông đang gây lãng phí lớn về kinh tế - xã hội, bức xúc trong nhân dân, gây ô nhiễm môi trường...


Đây là nhận định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2017, do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức chiều 4-7.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 9.593 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.134 người, bị thương 7.935 người. So với 6 tháng đầu năm 2016, tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, lỗi đi không đúng phần đường chiếm tỷ lệ cao nhất (24%); tiếp đó là vi phạm tốc độ (10,2%), vượt sai quy định (6,7%), thao tác lái xe kém (7,7%), sử dụng rượu bia (1%)... Tai nạn giao thông giảm song vẫn diễn biến phức tạp, chở quá tải có dấu hiệu tái diễn, đặc biệt là tình trạng “xe dù, bến cóc” gây mất trật tự, an toàn giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định.

Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết, tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí. Toàn thành phố xảy ra 703 vụ tai nạn, làm 283 người chết, 580 người bị thương. So cùng kỳ năm 2016 giảm 40 vụ (bằng 5,4%), giảm 21 người chết (6,9%), giảm 44 người bị thương (7,1%). Ùn tắc giao thông cũng tiếp tục giảm với việc xử lý được 6/41 "điểm đen" ùn tắc giao thông. Các lực lượng chức năng của thành phố đã xử lý trên 401.000 trường hợp vi phạm, phạt hơn 146 tỷ đồng...

Cũng trong 6 tháng qua, toàn quốc xảy ra 33 vụ ùn tắc kéo dài (tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2016). Ùn tắc tại các đô thị lớn có xu hướng mở rộng về không gian, kéo dài về thời gian. Đặc biệt, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn tồn tại nhiều điểm dễ xảy ra ùn tắc giao thông phức tạp, kéo dài, như tại các tuyến đường kết nối với đầu mối giao thông lớn, các nút giao chưa có cầu vượt giữa đường trục hướng tâm và vành đai, đoạn tuyến có công trình giao thông thi công kéo dài...

Nhận định ùn tắc và tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ rõ, hiện vẫn chưa có quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị chức năng và địa phương hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo. Nơi mạnh, quyết liệt thì chuyển biến, những nơi chưa quan tâm, thiếu quyết liệt thì dẫn đến buông lỏng trong quản lý nhà nước. Ngoài ra, còn một bộ phận người thực thi nhiệm vụ dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực; còn tồn tại các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông chưa được xử lý dứt điểm...

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và người thực thi công vụ; xử lý các điểm mất an toàn giao thông; tiếp tục kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải, ngăn chặn việc chở hàng cấm, vật liệu dễ cháy, nổ trên phương tiện chở khách; khám sức khỏe định kỳ cho toàn bộ lái xe, có kiểm tra dấu hiệu sử dụng ma túy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý các hành vi vi phạm về tốc độ, về hành trình của chủ xe, lái xe. Cơ quan quản lý cũng sẽ nâng cấp phần mềm giám sát trực tuyến mạng lưới đường bộ toàn quốc; cung cấp dữ liệu tổng hợp cho Sở GT-VT các địa phương để phục vụ công tác quản lý, điều tiết, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn theo yêu cầu đặc thù của địa phương...

Tuấn Lương