Về Hội An thăm làng mộc trăm tuổi Kim Bồng
Văn hóa - Ngày đăng : 16:22, 06/07/2017
Từ thế kỷ 16, làng bắt đầu tập trung vào nghề mộc và nổi tiếng với nhiều sản phẩm đồ gia dụng, đóng thuyền, dựng đền chùa. Những sản phẩm làng mộc Kim Bồng cũng theo chân các thương nhân để có mặt trong các đô thị không chỉ trong nước mà còn tới các quốc gia khác.
Đặc biệt, các nghệ nhân làng mộc đã góp phần quan trọng làm nên quần thể kiến trúc phố cổ Hội An và nhiều công trình tuyệt mỹ ở kinh thành Huế. Nhiều thợ giỏi của Kim Bồng đã được triều đình Huế ban tước Bát phẩm, Cửu phẩm, Đội trưởng Mộc Tượng…
Trung tâm thương cảng Hội An - nơi giao thương của các thương nhân nước ngoài từ thời Chúa Nguyễn đã giúp cho làng mộc Kim Bồng được kế thừa và lĩnh hội kỹ thuật đóng thuyền của người Chàm, hay kỹ thuật làm đồ gia dụng, kiến trúc dân dụng của người Hoa và người Nhật.
Những máy móc hiện đại cũng được vận dụng, kết hợp với cách chế tác truyền thống.
Để có một Hội An với nét riêng biệt như bây giờ, hẳn không thể quên được tài danh của các nghệ nhân làng Kim Bồng với những tác phẩm chạm khắc, phù điêu, tượng gỗ, dụng cụ, tiện nghi gia đình Hội An.
Hình ảnh Chùa Cầu phố Hội luôn là cảm hứng vô tận trong các sản phẩm
Những họa tiết được chạm trổ rất tinh xảo
Nơi trưng bày những tác phẩm của làng mộc Kim Bồng của nghệ nhân Huỳnh Ri, hậu duệ của một trong bốn tộc có công lập làng là Huỳnh – Trương – Phan – Nguyễn.
Nghề mộc ở Kim Bồng giúp ta có thể hiểu rõ hơn về đặc điểm kinh tế và quan hệ giao lưu văn hoá, giao lưu công nghệ giữa các thành phần cư dân sống tại Hội An qua các thời kỳ lịch sử, quá trình kế thừa truyền thống và tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa bên ngoài để không ngừng phát triển.