Gương mẫu để tạo dựng niềm tin
Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 06/07/2017
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa bị xem xét kỷ luật do những vi phạm trong thời gian làm lãnh đạo tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. |
Xử lý nghiêm khắc sai phạm
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa xem xét, quyết định kỷ luật một số lãnh đạo cấp cao do có những sai phạm nghiêm trọng. Hình thức kỷ luật cảnh cáo được áp dụng với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai do trong thời gian giữ các cương vị: Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch đã tham gia điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng…
Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa có những vi phạm đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật. Trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, bà Hồ Thị Kim Thoa đã vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định của Nhà nước về quản lý đất đai; mua cổ phần vượt mức quy định; nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ...
Một vụ việc khác cũng được dư luận đặc biệt quan tâm gần đây là nguồn gốc của biệt thự nằm trong khu đất rộng hơn 13.000m2, trị giá ước tính nhiều tỷ đồng của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái cũng đã được Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) vào cuộc thanh tra. Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, dự kiến trong tháng 7, Thanh tra Chính phủ sẽ có kết luận về vụ việc này; đồng thời khẳng định, đoàn thanh tra tác nghiệp độc lập và không chịu bất cứ một áp lực, tác động nào.
Việc xem xét kỷ luật, thanh tra hàng loạt sai phạm của một số lãnh đạo trung ương và địa phương thời gian gần đây cho thấy, vẫn còn một bộ phận lãnh đạo thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, làm suy giảm niềm tin của nhân dân. Trong khi đó, vai trò nêu gương của cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Tự giác, nêu gương bằng hành động cụ thể
Tại các hội nghị học tập, quán triệt, triển khai, giao ban đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gần đây, các cơ quan, đơn vị đều đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu.
Thực tiễn triển khai Chỉ thị 05-CT/TƯ cũng đã xuất hiện nhiều gương sáng của cán bộ đứng đầu trong việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu. Nhiều cán bộ chủ chốt đã chủ động nêu gương, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, tác phong, văn hóa công sở... Song, bên cạnh đó vẫn còn có những cán bộ chủ chốt, người đứng đầu thiếu gương mẫu, thậm chí để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm”.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, phẩm chất và năng lực của người đứng đầu, sự mẫu mực, nêu gương cũng như thái độ kiên quyết đấu tranh của họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Sự gương mẫu của người đứng đầu còn tạo ra động lực để thúc đẩy niềm tin của nhân dân. Dân nhìn vào Đảng, vào Nhà nước thông qua nhân cách đảng viên, nhất là người đứng đầu.
“Tăng trưởng kinh tế đã khó, tăng trưởng niềm tin của dân còn khó hơn gấp bội. Dân mất lòng tin là mất tất cả” - Giáo sư Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.