Gỡ “nút thắt” cho nông sản

Kinh tế - Ngày đăng : 06:42, 06/07/2017

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư, trong đó tập trung mạnh vào tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi...

Tăng cường chuỗi sản xuất, đầu tư công nghệ trong chế biến sẽ thúc đẩy sự phát triển cho ngành Nông nghiệp Việt Nam.


Thiếu chủ động trong sản xuất, tiêu thụ

Nhiều năm trở lại đây, câu chuyện giải cứu nông sản luôn là vấn đề "nóng" của ngành Nông nghiệp nước ta. Đặc biệt kể từ cuối năm 2016 đến nay, chiến dịch giải cứu thịt lợn - vì chưa khi nào giá lợn thịt giảm mạnh như hiện nay khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng - lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nguyên nhân do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh. Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cho biết: Riêng sản lượng thịt lợn đã tăng 3,6 lần, thủy sản tăng 3,4 triệu tấn... Đàn lợn nái cách đây 10 năm có hơn 2 triệu con, giờ nâng lên 4,2 triệu con.

Nuôi lợn dù được định hướng theo chủ trương tái cơ cấu nhưng mới giảm từ 7 triệu hộ xuống còn 3 triệu hộ nuôi. Theo ông Lê Văn Trường, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Trường Tùng (tỉnh Vĩnh Phúc), với quy mô 270 lợn nái, sau thời gian dài các ngành chức năng giải cứu hiện giá lợn vẫn thấp và từ đầu năm đến nay hợp tác xã lỗ 300 triệu đồng. Để chuyển sang chế biến tinh phải đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại, cần nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng nên hợp tác xã không có vốn.

Không chỉ xảy ra đối với đàn lợn, đàn gia cầm, thời gian qua tình trạng khủng hoảng, dư thừa, phát triển phá vỡ quy hoạch còn diễn ra ở ngành trồng trọt. Đã có nhiều cuộc giải cứu nông sản như: Dưa hấu, điều, chuối, bí đao... tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế. Nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu chủ động trong sản xuất cũng như tiêu thụ. Đặc biệt, trong khâu lưu thông thị trường, nông dân cũng như các hợp tác xã gần như “mù thông tin” về thị trường thế giới. Việc buôn bán chủ yếu thông qua thương lái nên họ thao túng toàn bộ giá cả.

Hiện nay, trung bình mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu nông sản đạt 40 tỷ USD nhưng nếu chế biến tinh sẽ đạt 270 tỷ USD. Đây là giải pháp trọng điểm giúp nông dân tiêu thụ nông sản, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, cả trồng trọt và chăn nuôi, nông dân cũng như hợp tác xã mới chú trọng sản xuất thô, xuất khẩu tươi không qua tinh chế. Việc sản xuất còn tự phát, nhiều nơi không tuân theo quy hoạch, không có định hướng thị trường dẫn tới cung vượt cầu.

Giải pháp tập trung nâng cao số lượng, xuất khẩu thô đồng nghĩa với hạn chế về chất lượng nên thị trường tiêu thụ cả trong nước lẫn thế giới đều bị bó hẹp. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ứ đọng nông sản, được mùa thì mất giá. Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Lê Bá Lịch cho rằng: Để thay đổi sản xuất thì nông nghiệp cần có sự tham gia của các doanh nghiệp. Song, doanh nghiệp tham gia đầu tư trong nông nghiệp hiện nay vẫn chưa “đủ sức” lái con tàu này bởi phần lớn có vốn điều lệ trên dưới 5 tỷ đồng - một con số quá nhỏ so với thực tế.

Tái cơ cấu theo hướng hiện đại

Chăm sóc rau sạch công nghệ cao tại Công ty VinEco.


Nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu hai lĩnh vực mũi nhọn của ngành Nông nghiệp là chăn nuôi và trồng trọt, đồng thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, ngày 28-6-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư. Mục tiêu chung của chương trình là hỗ trợ ngành trồng trọt và chăn nuôi thực hiện tái cơ cấu theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững, góp phần đạt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm ngành trồng trọt từ 2,5 đến 3%, chăn nuôi từ 4 đến 5%; chủ động phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và ổn định đời sống dân cư nông thôn. Chương trình bố trí nguồn vốn 306.660 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2016 đến hết năm 2020 với ba nhiệm vụ chính: Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và ổn định đời sống dân cư.

Đánh giá về chương trình trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Đây được coi là “đòn bẩy” giúp các địa phương thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa đề án tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và hai lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt nói riêng. Chương trình đã nhấn mạnh đến việc tăng cường chuỗi sản xuất, đầu tư công nghệ trong chế biến, hướng tới sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, có phân cấp theo thị trường trong và ngoài nước.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT): Để đẩy mạnh tái cơ cấu hai lĩnh vực trên, các địa phương cần tuân thủ nghiêm quy hoạch vùng sản xuất bởi quy hoạch được xây dựng dựa trên lợi thế nguồn đất, nguồn nước phù hợp với từng cây trồng, vật nuôi. Việc quy hoạch vùng sản xuất phải gắn với định hướng thị trường. Chẳng hạn như cây lúa, ở phía Bắc chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, còn vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung cho xuất khẩu.

Tương tự ngành chăn nuôi, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, cần tập trung vào phát triển các loại con đặc sản ở vùng có lợi thế, mỗi địa phương nên quy hoạch nuôi một loại con để không chồng chéo. Theo bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True milk: Điều quan trọng là Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp để chuyển từ sản xuất thô sang chế biến tinh. Nguồn vốn cần ưu đãi trực tiếp cho doanh nghiệp và các dự án chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng linh hoạt trong áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi tập trung vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Quỳnh Dung - Đào Huyền