Đừng trói buộc sự phát triển!
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:06, 07/07/2017
Về lý, những điều kiện được xây dựng nhằm kiểm soát, quản lý, tạo bình đẳng cho các doanh nghiệp phát triển. Thế nhưng nó đang can thiệp sâu vào quyền tự quyết, thậm chí cản trở hoạt động của doanh nghiệp, chi phối cả nguyên tắc thị trường. Có những vấn đề vô lý đến khó hiểu như quy định bắt buộc doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm phải đáp ứng đầy đủ trang thiết bị sản xuất hoàn chỉnh sản phẩm. Tức là doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm phải tự sản xuất tất cả phụ kiện của mũ bảo hiểm thay vì có thể mua từ các doanh nghiệp gia công chuyên nghiệp. Hay những điều kiện đi ngược với quy luật phát triển như quy định chỉ có 5 loại hình kinh doanh vận tải, doanh nghiệp vận tải phải có số đầu xe tối thiểu, mỗi chuyến chạy hợp đồng phải báo cáo cho cơ quan quản lý... Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho khi xuất hiện loại hình vận tải Grab và Uber thì lúng túng không biết xếp vào hình thức kinh doanh nào, quản lý ra sao.
Đã có nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng chúng ta đang "tự thua" trong việc cải cách điều kiện kinh doanh dù đã mất nhiều năm nỗ lực cải thiện môi trường kinh tế, loại bỏ giấy phép con, xóa bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý?
Với nền kinh tế thị trường, giao dịch thị trường lẽ ra phải công bằng, lành mạnh và có cạnh tranh. Nhưng tiếc là hiện nay sự lạm dụng, đặt ra những điều kiện kinh doanh không cần thiết đang khiến cho các giao dịch thị trường trở nên méo mó, như những sợi dây trói, cản trở sức sáng tạo và sự phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp. Chẳng hạn như lĩnh vực taxi, theo phản ánh hiện có tới 13 điều kiện như phải được kiểm định, phải lắp đồng hồ trên xe, phải có giấy phép tần số... trong khi Uber, Grab thì hầu như không bị ràng buộc nào. Thế nhưng, Uber, Grab lại là đại diện cho sự thích ứng của thời đại công nghệ không thể xóa bỏ. Vậy nên chăng thay vì đặt rào cản với Uber và Grab, ta nên gỡ bỏ bớt điều kiện nhằm tạo cơ hội để taxi truyền thống cạnh tranh công bằng?
Có thể thấy việc đặt ra những điều kiện kinh doanh là cần thiết cho hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh chỉ nên đặt ra khi hoạt động kinh tế đó có nguy cơ gây rủi ro cho xã hội, người tiêu dùng. Và quản lý nhà nước phải luôn đổi mới phù hợp với thực tế phát triển chứ không phải dùng cái sẵn có để so sánh, quy chiếu.
Trong các mối quan hệ cạnh tranh, Nhà nước cần làm đúng việc là trọng tài để các thành phần đều được bình đẳng, tránh việc tạo sự độc quyền cho một nhóm lợi ích nào đó. Xây dựng thể chế, luật pháp là vấn đề quan trọng. Nhưng thể chế cứ ràng buộc, không tạo điều kiện theo cơ chế kinh tế thị trường thì xã hội không phát triển được. Các quy định trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh cần tạo ra sự thông thoáng trong thương mại. Đây là yêu cầu rất lớn hiện nay.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ gần nhất vừa diễn ra ngày 4-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Trừ lĩnh vực mà Quốc hội, Chính phủ có ý kiến chính thức về điều kiện kinh doanh, còn lại thì các cơ quan, bộ, ngành không được đặt ra những điều kiện kinh doanh để ràng buộc sự phát triển của thương mại và đầu tư. Thủ tục chuyên ngành nào đó, nếu có thì phải tạo môi trường kinh doanh tốt nhất, không gò bó, trói buộc trong phát triển...
Đây chính là định hướng để cải cách hành chính rõ nét và lâu bền mà tất cả vì sự phát triển của doanh nghiệp.