Có nên nới lỏng?

Văn hóa - Ngày đăng : 06:58, 07/07/2017

(HNM) - Liên quan tới công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, vấn đề khiến dư luận phản ứng trong thời gian vừa qua là hệ thống văn bản cấp phép.

Tạo cơ hội để vẻ đẹp Việt tỏa sáng

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên, việc điều chỉnh, sửa đổi những văn bản chưa phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đang được tập trung nghiên cứu thực hiện. Ông Vương Duy Biên cho biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang rà soát tình hình thực tế, kiến nghị soạn thảo nghị định mới thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu, và Nghị định 15/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP do có nhiều bất cập. Trong đó, thủ tục cấp phép cho người đẹp, người mẫu thi quốc tế là một phần được chú ý điều chỉnh, nhằm tạo điều kiện cho người đẹp Việt Nam tỏa sáng.

Người đẹp Nguyễn Thị Thành đoạt danh hiệu Á hậu 3 Miss Eco International 2017 nhưng không được công nhận vì thi “chui”. Ảnh: Huy Trần


Ngày 9-6-2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 846/QĐ-TTg ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017, trong đó có việc cấp phép đưa thí sinh đi tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế. Từ tháng 9-2017, các tổ chức, cá nhân có thể xin phép cho công dân Việt Nam thi sắc đẹp ở nước ngoài qua cổng thông tin của Bộ VH-TT&DL và Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ, bởi việc đề ra tiêu chuẩn khắt khe để người đẹp được phép dự thi quốc tế mới là điều đáng bàn. Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Elite Việt Nam - đơn vị đang nắm giữ bản quyền cử đại diện dự hơn 30 cuộc thi hoa hậu, người mẫu quốc tế phân tích: Trên thế giới có nhiều cuộc thi sắc đẹp với quy mô và uy tín khác nhau. Ở 5 cuộc thi sắc đẹp hàng đầu thế giới là Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Hòa bình quốc tế, Hoa hậu Siêu quốc gia, Hoa hậu Quốc tế, Ban Tổ chức thường có quy định ngặt nghèo với thí sinh và đơn vị đề cử.

Ngoài danh hiệu chính mà thí sinh đạt được từ cuộc thi trong nước, họ còn đòi hỏi cung cấp tài liệu như băng hình, phản ánh của báo chí về cuộc thi… rồi sau đó mới xem xét đồng ý cho tham gia hay không. Tuy nhiên, có những cuộc thi quy mô nhỏ hơn, tiêu chí và yêu cầu đối với thí sinh khá đơn giản. Thậm chí có nơi "khát" thí sinh nên sẵn sàng đài thọ toàn bộ chi phí...

Nhưng ở Việt Nam, theo quy định hiện hành, chỉ có người đẹp đoạt danh hiệu chính (top 3) tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước mới được xin phép dự thi quốc tế. Điều này khiến những người đẹp ở trong top 5 hoặc được giải phụ, đáp ứng điều kiện của nhà tổ chức cuộc thi sắc đẹp quốc tế, nhưng không có cơ hội tỏa sáng.

Siêu mẫu Vũ Hà Anh cho rằng, việc cho phép các người đẹp Việt Nam dự thi quốc tế mà không cần danh hiệu sẽ tạo sự cạnh tranh tích cực trong hoạt động thi sắc đẹp. Người đẹp đoạt giải tại các cuộc thi trong nước với tiêu chí lựa chọn trong nước chưa chắc đã phù hợp với tiêu chuẩn, tiêu chí của những cuộc thi quốc tế. Điều này là một phần nguyên nhân khiến người đẹp Việt ít khi đoạt giải thưởng lớn trên đấu trường quốc tế.

Nới lỏng ở mức độ nhất định

Thứ trưởng Vương Duy Biên đề xuất bỏ thủ tục cấp giấy phép thi người đẹp, người mẫu quốc tế: “Mỗi cuộc thi nhan sắc quốc tế đều có tiêu chí, quy định riêng. Thay vì khắt khe trong việc xét thủ tục cấp phép, cơ quan quản lý có thể chuyển trọng tâm sang khâu hậu kiểm. Nếu thí sinh nào đó gây điều tiếng, hoặc để lại hậu quả thì khi trở về sẽ xem xét xử lý”.

Đồng tình với ý kiến nói trên, siêu mẫu Vũ Hà Anh cho rằng, ở các quốc gia trên thế giới, kể cả trong khu vực Đông Nam Á, người đẹp đi thi quốc tế không cần xin phép bất cứ cơ quan nào. Thông thường, mỗi thí sinh quyết định tham gia một cuộc thi nhan sắc quốc tế đều trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết, đồng thời có ý thức để giữ gìn hình ảnh cho chính bản thân. “Nếu cá nhân có hành vi, phát biểu gây tổn hại đến hình ảnh đất nước ở nước ngoài thì tôi tin rằng khi về nước họ sẽ phải chịu sức ép của công chúng và trách nhiệm trước pháp luật, tùy mức độ”, siêu mẫu Vũ Hà Anh nói.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến cho rằng, chỉ nên nới lỏng, điều chỉnh điều kiện cấp phép cho người đẹp đi thi quốc tế. “Nếu bỏ qua khâu cấp phép từ cơ quan quản lý thì có thể dẫn tới một số hệ lụy, như để lọt thí sinh đang có vấn đề về pháp luật chẳng hạn”, bà Nguyễn Thị Thúy Nga nói. Thực tế, chưa cần nói đến việc ai đó có đại diện cho nhan sắc Việt Nam hay đi thi với tư cách cá nhân, nhưng ở đấu trường quốc tế, kể cả với những cuộc thi quy mô nhỏ, một khi đã khoác trên mình dòng chữ Việt Nam, giao thiệp bằng tiếng Việt, ít nhiều đều phải thận trọng.

Cơ quan quản lý nhà nước nên đề cao trách nhiệm của các công ty quản lý người mẫu, người đẹp và các đơn vị cử thí sinh tham dự cuộc thi quốc tế. Các đơn vị này cần tăng cường giám sát, bảo đảm chất lượng thí sinh và nội dung biểu diễn, tránh để xảy ra hệ lụy, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước.

Thụy Du