Những nhân tố cốt lõi

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:14, 08/07/2017

(HNM) - Kết quả thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Từ kết quả này, chúng ta có điều kiện thay đổi toàn diện cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo hướng tăng quyền tự chủ, phát triển năng động, hiệu quả cho doanh nghiệp.


Tuy nhiên, kết quả sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thời gian qua chưa đáp ứng kỳ vọng đặt ra. Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ quyền chi phối, đặc biệt là ở tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trong khi đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước còn thấp so với nguồn lực hiện có.

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm ngày nào là điều đáng tiếc ngày đó!

Đáng suy nghĩ hơn, dù số lượng doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa có đạt kết quả nhất định nhưng ngược lại, tổng số lượng vốn bán ra lại đạt rất thấp (chỉ chiếm khoảng 8% vốn nhà nước tại các doanh nghiệp - thống kê đến quý I-2017). Thực chất việc này có thể hiểu, đây chỉ là sự chuyển đổi hình thức từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, khi tỷ lệ bán cổ phần cho tư nhân chỉ rất nhỏ. Tức là chúng ta chưa thu hút được mạnh mẽ nguồn vốn của tư nhân tham gia các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Vậy tại sao một chủ trương đúng đắn và tất yếu mà tiến độ vẫn chậm?

Câu trả lời là trách nhiệm người đứng đầu chưa cao cùng lợi ích cục bộ là rào cản, chưa tạo động lực thật sự để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong cổ phần hóa, hoàn thiện thể chế và một số cơ chế, chính sách chưa chặt chẽ, chưa kịp thời. Ở các doanh nghiệp bộ, ngành, địa phương, việc xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả cũng chậm, chưa quyết liệt, có tâm lý chờ đợi các quy định của Nhà nước.

Nói vậy để thấy rằng, để bảo đảm mục tiêu giai đoạn 2017-2020 cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước là một thách thức không nhỏ, cần có bước chuyển mạnh mẽ, căn bản, thực chất hơn.

Trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn được xem là yếu tố quyết định đến việc cổ phần hóa có thành công hay không. Người đứng đầu cần loại bỏ tâm lý “e sợ”, “đụng chạm”, “né tránh”, có “bản lĩnh” nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để có bước đi phù hợp, vững chắc. Quá trình triển khai cần nhất quán quan điểm cổ phần hóa bảo đảm vốn nhà nước được bán, thoái vốn tốt hơn và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Trong quá trình cổ phần hóa, đề cao yếu tố công khai, minh bạch thông tin theo đúng quy định. Muốn vậy, các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán để tránh thất thoát vốn và tài sản nhà nước, đồng thời ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm.

Nghị quyết 05-NQ/TƯ, ngày 1-11-2016, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đã chỉ rõ yêu cầu trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là, đổi mới quản trị theo nguyên tắc thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường...

Sự tận tâm, trách nhiệm và minh bạch sẽ là những nhân tố cốt lõi cho cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp thành công.

Chí Kiên