Khai thác “nguồn lực mềm”
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:04, 09/07/2017
Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo" cũng nhấn mạnh việc khai thác giá trị ẩm thực để phát triển du lịch. Theo đó, ngành Du lịch Thủ đô sẽ chú trọng xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, làng nghề, sinh thái, ẩm thực... nhằm bảo đảm các sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo, hấp dẫn, có tính chuyên nghiệp cao theo hướng phát triển bền vững.
Thời gian qua, Hà Nội đã từng bước khai thác thế mạnh ẩm thực để phát triển du lịch. Điển hình như phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ được đưa vào hoạt động từ năm 2002; hay các tuyến phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm mới đây… Thế nhưng, làm thế nào để ẩm thực thật sự trở thành một thế mạnh thu hút du khách vẫn là câu chuyện đáng suy ngẫm!
Thực tế cho thấy, văn hóa ẩm thực của Hà Nội - được ví như “nguồn lực mềm” trong thu hút du lịch - vẫn ở trạng thái “tiềm năng chưa được đánh thức”. Chúng ta chưa xây dựng được những tour du lịch mà ở đó, ẩm thực được coi là điểm nhấn đặc trưng. Phần lớn nhà hàng, quán ăn chủ yếu dừng lại ở việc bán món ăn cho khách tham quan, chưa đem đến những giá trị văn hóa ẩm thực. Trong khi đó, giá trị ẩm thực Hà Nội còn nằm ở những phong tục, tập quán, lịch sử… Bên cạnh đó, thái độ phục vụ khách, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là vấn đề đáng bàn.
Vì thế, thông tin về việc Hà Nội đang khảo sát để tổ chức hai tuyến phố ẩm thực góp phần thu hút khách du lịch, gồm cải tạo nâng cấp phố Tống Duy Tân - Cấm Chỉ và phố Đào Duy Từ thu hút sự quan tâm của dư luận. Không ít chuyên gia ẩm thực lo ngại lại rơi vào “vết xe đổ” thất bại nếu hai tuyến phố này không thực sự tạo được bản sắc riêng…
Nhiều quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… đã khai thác rất tốt “nguồn lực mềm” của các khu phố ẩm thực trong thu hút khách du lịch cũng như quảng bá văn hóa ra thế giới. Trông người lại ngẫm đến ta! Để ẩm thực Thủ đô trở thành “nguồn lực mềm” thực sự, có lẽ câu chuyện không chỉ dừng lại ở thưởng thức văn hóa ẩm thực như thế nào, mà cần nhìn xa trông rộng hơn trong xây dựng các phố ẩm thực.
Để tạo được một khu phố ẩm thực trước hết cần có sự tổ chức chuyên nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng tốt. Bản thân các đơn vị tham gia vào phố ẩm thực phải có uy tín, bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như cung cách, thái độ phục vụ lịch sự. Không gian kiến trúc trong phố ẩm thực là vô cùng quan trọng, vì điều này gián tiếp tạo ra bầu không khí thân thiện, có sức cuốn hút thực khách. Việc hình thành một phố ẩm thực không chỉ là câu chuyện chọn địa điểm mà còn cả phương thức hoạt động.
Do vậy, việc quy hoạch khu ẩm thực theo hướng văn minh, lịch sự trên cơ sở gìn giữ bảo tồn nét văn hóa ẩm thực lâu đời truyền thống của khu phố cổ là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp hài hòa giữa không gian đi bộ, mua sắm với các khu phố ẩm thực.
Chỉ có như vậy, chúng ta mới làm “vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi”, tạo ấn tượng tốt cho khách trở lại khám phá những nét đẹp của Hà Nội và Việt Nam thêm nhiều lần nữa.