Đấu kiếm Việt Nam: Bỏ giấc mơ "vàng" vì... thiếu kiếm

Thể thao - Ngày đăng : 07:57, 09/07/2017

(HNM) - Gần đây, câu chuyện về đội Kiếm chém Việt Nam suýt không được thi đấu tại Giải Đấu kiếm vô địch Châu Á 2017 chỉ vì bị hỏng mặt nạ, hay chuyện đội phải bỏ tiền mua

Cách đây gần mười năm từng có chuyện tay vợt Đoàn Kiến Quốc phải mượn vợt của vận động viên khác để thi đấu tại Giải Bóng bàn vô địch thế giới. Nguyên nhân là cốt vợt của Đoàn Kiến Quốc không đạt chuẩn thi đấu quốc tế. Sau khi xem xét, Tiểu ban Kỹ thuật của Liên đoàn Bóng bàn thế giới đã không cho tay vợt người Khánh Hòa thi đấu với vợt của mình, buộc anh phải mượn của người khác.

Gần chục năm sau câu chuyện "cười ra nước mắt" của Đoàn Kiến Quốc, Thể thao Việt Nam lại suýt lâm vào cảnh tương tự nếu các vận động viên đấu kiếm lại phải mượn mặt nạ của đội khác để thi đấu tại Giải Đấu kiếm vô địch Châu Á 2017. Cũng may, khi xuất hiện tình huống dở khóc dở cười, một chuyên gia người Nga tại giải đã sửa giúp cho đội Kiếm chém một chiếc mặt nạ. Có chiếc mặt nạ tuy cũ nhưng vẫn đủ tiêu chuẩn thi đấu này, đội tuyển Kiếm chém nam và nữ luân phiên chuyền nhau sử dụng cho đến hết ngày thi đấu. Đó là chưa kể, cũng tại giải đó, những người có trách nhiệm dẫn dắt đội đã phải bỏ tiền mua vài cây kiếm để vận động viên có thể thi đấu ngay tại giải mà sau này chưa biết phải làm thủ tục thanh toán thế nào.

Đó chỉ là hai ví dụ cụ thể về tình trạng thiếu dụng cụ tập luyện và thi đấu của các kiếm thủ tại đội tuyển quốc gia trong khoảng hai năm trở lại đây. Nguyên nhân được chỉ ra, đó là chúng ta chưa tìm được nhà cung cấp do các thiết bị liên quan đến môn đấu kiếm thuộc dạng đặc biệt.

Trước đó, người ta mới chỉ biết đến tình trạng thiếu đạn ở môn bắn súng nhưng trong thực tế, một số môn khác như đấu kiếm, Pencak Silat - vốn phải sử dụng những loại vũ khí đặc thù - cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Sự thể đến mức, trong những năm trước đây, bộ môn đấu kiếm Hà Nội còn phải "hỗ trợ ngược" cho đội tuyển Đấu kiếm quốc gia về trang thiết bị tập luyện, thi đấu.

Nhưng nay thì chính Đấu kiếm Hà Nội cũng đang gặp khó khăn về trang thiết bị nên chỉ có thể hỗ trợ phần nào. Cũng vì thế mà các vận động viên đội tuyển quốc gia - chủ yếu là vận động viên Hà Nội - cũng phải thi đấu, tập luyện cầm chừng, nhiều khi chỉ tập tay không.

Tại Giải vô địch Đấu kiếm Châu Á vừa qua, việc bị hỏng mặt nạ, dẫn đến tình huống suýt không được thi đấu chỉ là "điểm nhấn" trong cả quá trình dài phải tập luyện, thi đấu trong cảnh thiếu thốn về dụng cụ của đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam. Trong bối cảnh đó, thật khó nói tới chuyện nâng tầm cho các kiếm thủ Việt Nam dù các tuyển thủ đã có bàn đạp là thành tích giành 4 vé tham dự Olympic 2016.

Trước mắt là SEA Games 29, nơi đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam được kỳ vọng giành 2-3 huy chương vàng. Chỉ tiêu được cho là khá khiêm tốn nhưng lại khó thực hiện do tại SEA Games 29 chỉ có 6 bộ huy chương, không như ở SEA Games 28, nơi các kiếm thủ Việt Nam đã giành tới 8 huy chương vàng ở 12 nội dung thi đấu. Sự tính toán thiết thực cho thấy, việc giành được 2 huy chương vàng tại SEA Games 29 đã là quá tốt đối với các kiếm thủ Việt Nam - những người đang gặp bất lợi đủ bề so với các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Philippines, Malaysia.

Không lẽ, cứ phải trông đợi vào tinh thần vượt khó của các kiếm thủ Việt Nam để hoàn thành mục tiêu như đã thấy ở nhiều kỳ giải trước?

Minh An