Nhìn lại chặng đường 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Đời sống - Ngày đăng : 06:48, 10/07/2017

(HNM) - Tháng bảy - các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ bước vào thời kỳ cao điểm. Nhìn lại hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa Ngày Thương binh - Liệt sĩ, với những kết quả nổi bật trong chăm sóc người có công càng thấy rằng, Hà Nội luôn quan tâm toàn diện đến người có công.

Bác sĩ quân y Trung đoàn 692 (Sư đoàn Bộ binh 301) khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách phường Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Sáng Cường


Tri ân người có công

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dù nước ta trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến công ơn của các thương binh, liệt sĩ. Trong Thư gửi đồng bào Việt Nam, Người bày tỏ: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng”.

Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Sắc lệnh số 20/SL là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định, ghi nhận sự hy sinh của các thương binh, liệt sĩ. Tháng 6 năm 1947, tại một hội nghị diễn ra ở Đại Từ (Thái Nguyên), các đại biểu đại diện các cơ quan, các ngành của Trung ương, các khối và các tỉnh đã thống nhất chọn ngày 27-7 là Ngày “Thương binh toàn quốc”. Thực hiện Chỉ thị 223/CT-TƯ ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh - Liệt sĩ của cả nước.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, với tinh thần “hiếu nghĩa bác ái”, 70 năm qua, hệ thống chính sách đối với người có công không ngừng được mở rộng, hoàn thiện. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 1-6-2012 của Đảng về định hướng chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 khẳng định: “Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, những hộ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở được hỗ trợ một phần kinh phí trong quá trình xây dựng, sửa chữa. Theo Nghị định số 70/2017/NĐ-CP ngày 6-6-2017, từ tháng 7 năm nay, người có công được nâng mức trợ cấp, phụ cấp.

Cùng với vai trò chủ đạo của Nhà nước, công tác chăm sóc người có công đã động viên được tiềm năng to lớn trong cộng đồng. Nổi bật là phong trào vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, trao tặng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, đến nay toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó có hơn 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Trong giai đoạn 2007-2017, cả nước đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được hơn 3.000 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hàng trăm nghìn ngôi nhà tình nghĩa, tặng hàng trăm nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa. 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc; 97% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Hà Nội - điểm sáng chăm sóc người có công

Trải qua các cuộc chiến tranh, Hà Nội có gần 80 vạn người có công với cách mạng, bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết, thành phố thực hiện tốt tất cả các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công, bảo đảm chi trả trợ cấp hằng tháng đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng. Nhằm chăm lo tốt hơn cho người có công, Hà Nội còn đề ra một số chính sách đặc thù. Đó là chính sách hỗ trợ điều dưỡng luân phiên đối tượng người có công từ 5 năm xuống 2 năm/lần; tăng mức phụng dưỡng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; trợ cấp hằng tháng cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày không hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, thanh niên xung phong không có khả năng lao động, sống cô đơn; cấp thẻ đi xe buýt miễn phí cho các đối tượng chính sách…

Từ năm 2008-2016, toàn thành phố vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được hơn 240 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 5 nghìn gia đình người có công xây mới, sửa chữa nhà ở; tặng gần 50 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa; tổ chức điều dưỡng luân phiên cho hơn 130 nghìn lượt người; tu sửa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí hơn 52 tỷ đồng/năm. Hằng năm, Hà Nội trích ngân sách khoảng hơn 140 tỷ đồng tặng quà cho đối tượng người có công vào các dịp lễ, Tết, kỷ niệm.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, TP Hà Nội vận động xã hội hóa và ứng trước kinh phí thực hiện hỗ trợ hơn 7,5 nghìn hộ gia đình người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Tổng kinh phí hỗ trợ lên tới hơn 400 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách là 229 tỷ, nguồn xã hội hóa là 173 tỷ. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn vận động được hàng chục tỷ đồng hỗ trợ gần 1.000 gia đình chính sách xây dựng, sửa chữa nhà ở. “TP Hà Nội không còn hộ gia đình chính sách nào phải ở nhà xuống cấp. Các gia đình người có công đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú” - ông Khuất Văn Thành cho biết thêm.

Với những kết quả đã đạt được, Hà Nội được đánh giá là điểm sáng trong công tác chăm sóc người có công của cả nước.

Minh Ngọc