Ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất từ 0,25-0,5%

Tài chính - Ngày đăng : 19:04, 10/07/2017

Bắt đầu từ ngày 10-7, 2 văn bản điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực. Theo đó, lãi suất nhiều lĩnh vực cho vay sẽ giảm từ 0,25 - 0,5%.

Tín hiệu vui cho doanh nhiệp

“Phát súng” đầu tiên cho việc điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phải kể đến VPBank. Theo đó, từ hôm nay VPBank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,5% đến 1%, tùy lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp, thời gian quan hệ tín dụng với VPBank, mức độ đa dạng các sản phẩm mà doanh nghiệp sử dụng cũng như chất lượng thanh toán nợ.

Đại diện SCB cho biết, trong hai tuần tới ngân hàng cũng sẽ giảm lãi suất cho doanh nghiệp theo văn bản của NHNN. Bởi một khi lãi suất điều hành giảm thì lãi suất đầu ra cũng sẽ giảm theo. Cụ thể, SCB sẽ giảm lãi suất cho vay tối đa là 0,5%/năm đối với các hợp đồng cho vay mới thuộc các lĩnh vực ưu tiên cũng như các DN vừa và nhỏ. Như vậy, với mức lãi suất cho vay hiện nay khoảng 10%/năm, DN có thể tiết kiệm thêm 0,5%/năm từ chính sách mới của NHNN.

Đánh giá về động thái của NHNN nói chung và VPBank nói riêng, các chuyên gia tài chính cho rằng việc giảm lãi suất cho vay thật sự đem lại nhiều tín hiệu vui cho doanh nghiệp; đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, trong khi gánh nặng chi phí, nhất là chi phí vốn vay ngân hàng còn cao như hiện nay. Vì thế, điều này cũng đồng nghĩa mang lại tín hiệu vui cho nền kinh tế khi các doanh nghiệp khởi sắc.



Về việc NHNN cắt giảm lãi suất điều hành 0,25%, chia sẻ với báo chí, TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, chính sách này đã đi đúng hướng và mang lại niềm tin cho thị trường. “Bởi điều này sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa các DN nhà nước thuận lợi hơn, đồng thời hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, tài chính đi lên, qua đó giúp cổ phần hóa nhanh hơn và sớm hoàn thành mục tiêu đề ra”, TS Ngân nhận định .

Ngoài ra, điều này cũng góp phần hỗ trợ giảm chi phí cho các ngân hàng, DN liên quan. Vì khi nguồn cung vốn từ NHNN với giá rẻ hơn so với trước đây thì các ngân hàng thương mại sẽ có cơ hội để đẩy mạnh cho vay với lãi suất thấp hơn, tức giảm gánh nặng cho người vay.

Đủ cơ sở để giảm lãi suất

Giải thích thêm vì sao trong thời điểm này lãi suất đang ổn định, NHNN lại giảm lãi suất cho vay, chuyên gia kinh tế, luật sư - tiến sĩ Bùi Quang Tín cho rằng, các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy nền kinh tế đang dần ổn định, đó là cơ sở để giảm lãi suất vào thời điểm này.

Cụ thể, với nguồn lực của các ngân hàng thương mại với các tín hiệu của thị trường như thị trường chứng khoán, bất động sản và các chỉ số về kinh tế vĩ mô, sự quan tâm của Chính phủ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp và các chiến lược thu hút khách hàng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, lãi suất từ nay đến cuối năm Việt Nam đồng (VND) ổn định thì lãi suất có thể giảm từ 0,5 đến 1% ở các kỳ hạn so với năm 2016.

Có thể thấy, để có kết quả giảm lãi suất như ngày hôm nay, thời gian qua NHNN đã thực hiện nhiều chính sách điều hành tiền tệ, giúp mặt bằng lãi suất hiện nay ổn định trở lại sau giai đoạn chịu nhiều áp lực kể từ cuối năm trước cho đến đầu quý I vừa rồi.

Cụ thể, việc bơm hút nhịp nhàng trên thị trường mở (OMO) và tín phiếu của NHNN để hỗ trợ thanh khoản đã giúp các ngân hàng không phải chịu quá nhiều áp lực đẩy lãi suất huy động trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức). Thậm chí, một số ngân hàng có nguồn vốn dồi dào tiếp tục rót vốn mạnh vào thị trường trái phiếu.

Mặt khác, một số dự báo trước đây cho rằng, lạm phát và tỷ giá sẽ là 2 yếu tố gây áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất trong năm 2017, tuy nhiên với những gì đang diễn ra cho thấy 2 yếu tố này vẫn trong tầm kiểm soát. Về tỷ giá USD/VND, dù theo xu hướng đi lên nhưng vẫn tăng chậm và trong tầm kiểm soát của NHNN. So với đầu năm, tỷ giá trung tâm chỉ mới tăng gần 1%, trong khi tỷ giá mua bán tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do thậm chí còn giảm so với đầu năm nay.

Với những yếu tố thuận lợi trên, các ngân hàng càng có điều kiện để tăng trưởng nguồn tiền gửi VND. Thống kê báo cáo tài chính quý I của 3 ngân hàng duy trì lãi suất ổn định ở mức thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường cho thấy, tiền gửi khách hàng của BIDV tăng 5%, Vietinbank tăng 1,8%, Vietcombank tăng 3,2%.

“Điều này có thể khẳng định, lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước gần như là công cụ được sử dụng để định hướng lãi suất thị trường. Và một khi lãi suất huy động đầu vào ổn định thì sẽ là cơ sở để lãi suất cho vay ổn định theo hoặc thậm chí là giảm thêm theo định hướng của cơ quan điều hành”, ông Bùi Quang Tín nói.

Theo 2 văn bản điều chỉnh lãi suất của NHNN đưa ra, từ ngày 10-7 sẽ giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm:

Lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.

Như vậy, lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống còn 7,25%/năm.

Bên cạnh đó, NHNN cũng quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Đó là các cá nhân, doanh nghiệp (DN) vay tiền để phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ; DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao...

Điều này cũng đồng nghĩa những khách hàng thuộc diện trên khi vay sẽ được giảm từ mức lãi suất hiện hành là 7%/năm xuống còn 6,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với nhu cầu vốn này giảm từ 8%/năm xuống còn 7,5%/năm.

Theo Hải Yên/Báo Tin Tức