Thận trọng khi điều chỉnh nguyện vọng
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:24, 12/07/2017
Xét tuyển theo kết quả thi
Nhằm hỗ trợ thí sinh trong công tác xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2017, trong hai ngày cuối tuần vừa qua, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dành nhiều thời gian tư vấn trực tiếp cho các thí sinh ở các vùng miền. Câu hỏi phổ biến là trong trường hợp nào thì nên điều chỉnh nguyện vọng, điều chỉnh theo hướng nào và cách thức điều chỉnh ra sao. “Em đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân và được 25 điểm. Năm ngoái điểm chuẩn của ngành em chọn là 24 điểm, nhưng năm nay phổ điểm cao hơn, em dự kiến thay đổi nguyện vọng vào ngành khác, tuy nhiên em chưa biết nên thay đổi sang ngành nào” - em Lê Thanh Trang (Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ) băn khoăn.
Việc không giới hạn nguyện vọng giúp các thí sinh có nhiều cơ hội hơn. Ảnh: Nhật Nam |
Ngày 8-7, khi trao đổi trực tiếp với hàng nghìn thí sinh có mặt trong ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết ngày 12-7, Bộ công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để các trường có căn cứ xét tuyển. Khi đó, thí sinh cần đối chiếu kết quả thi của mình với kết quả thi dự kiến trước đây trong bối cảnh chung về kết quả thi năm nay của toàn quốc để quyết định việc có hay không điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký. Thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần, nên các em cần cân nhắc cẩn thận. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Đối với từng trường/ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Số thứ tự nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh, nếu trúng tuyển vào nguyện vọng trước sẽ không được xét vào nguyện vọng sau nữa. Do vậy, các em cần ghi nguyện vọng ưu tiên cao nhất là nguyện vọng mà các em yêu thích nhất”.
Theo TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh nên căn cứ vào điểm thi của mình, phổ điểm và tham khảo điểm chuẩn 2 năm gần đây. Năm nay, Bộ không giới hạn số lượng nguyện vọng, nên các em có thể điều chỉnh tùy ý. Tuy nhiên, để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất, các nguyện vọng đăng ký xét tuyển nên được phân chia thành 3 nhóm trường/ngành: Nhóm trường/ngành có mức điểm từ 21 trở lên; nhóm trường/ngành có mức điểm từ 18 đến dưới 21; nhóm trường/ngành có mức điểm từ ngưỡng điểm bảo đảm chất lượng đầu vào đến dưới 18 điểm.
Điểm chuẩn sẽ tăng?
Theo phổ điểm của từng khối thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, phổ điểm khối A, B năm nay tương đương với năm ngoái, tức là khoảng 18 điểm với khối A, 17 điểm với khối B; nhưng phổ điểm khối C năm nay cao hơn 1 điểm; ở khối D và A1 cao hơn 2 điểm. Đây là căn cứ để thí sinh có thể ước lượng mức tăng của điểm chuẩn vào các trường/ngành cùng khối.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện thành viên nhóm trường miền Bắc (gồm 57 trường) nhận định, khó có thể phán đoán điểm chuẩn cụ thể của từng trường, vì nhóm bao gồm nhiều trường, có điểm chuẩn trải dài từ mức điểm trung bình đến cao. Những trường tốp trên như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân có ngành tiệm cận 27 điểm; một số trường như Thủy lợi, Mỏ - Địa chất có ngành có mức điểm khá cao, cũng có ngành có mức điểm cận kề mức điểm sàn. Về nguyên tắc, mặt bằng điểm cao thì điểm chuẩn sẽ cao, nhưng đôi khi chính yếu tố này lại tạo ra tâm lý lo ngại, nhiều thí sinh dịch chuyển nguyện vọng, có khi điểm chuẩn lại thấp. Năm nay, điểm chuẩn của trường dự kiến khoảng từ 20 điểm trở lên, tùy theo ngành, những ngành “hot” năm ngoái có mức từ 22,5 điểm trở lên, thì năm nay có thể 23 hoặc 24 điểm.
Cũng theo ông Trần Văn Tớp, do điểm năm nay khá cao nên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và nhiều trường tốp trên trong nhóm dự kiến sẽ sử dụng tiêu chí phụ để tuyển sinh. Hai tiêu chí phụ của trường năm nay là tổng điểm của ba môn (không cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) và thứ tự nguyện vọng. Nếu 2 thí sinh có điểm bằng nhau thì em đăng ký nguyện vọng 2 vào trường sẽ được ưu tiên so với bạn có nguyện vọng 3.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, điểm chuẩn vào các ngành của trường năm nay nhìn chung sẽ tăng. Để có cơ hội trúng tuyển, thí sinh cần cộng thêm từ 0,5 đến 1,5 điểm vào mức điểm chuẩn của năm 2016 trước khi quyết định đăng ký xét tuyển.
Tuy nhiên, những điều trên lại khó áp dụng với các thí sinh đăng ký vào các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, do 2 năm vừa qua (năm 2015 và 2016), đơn vị này tổ chức thi riêng và lấy kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng chia sẻ, thực tế theo dõi công tác xét tuyển đại học, cao đẳng cho thấy, từ năm 2013 đến nay, về cơ bản những trường nào có điểm chuẩn cao vẫn cao, trường nào thấp vẫn thấp, ít có đột biến. Các thí sinh có thể so sánh tương quan mức điểm chuẩn giữa các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội trong những năm 2013, 2014 với các trường khác để có thêm thông tin tham khảo.