Điểm sáng lớn nhất

Thế giới - Ngày đăng : 06:06, 12/07/2017

(HNM) - Sau các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tuần trước, Mỹ, Nga và Jordan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực Tây Nam Syria.

Thỏa thuận ngừng bắn mới nhất được hy vọng sẽ là một giải pháp tích cực chấm dứt cuộc chiến tại Syria.



Theo các chuyên gia, việc thiết lập vùng giảm leo thang căng thẳng phía Tây Nam Syria là một bước đi cần thiết để chấm dứt cuộc chiến đẫm máu hiện đã bước sang năm thứ 7. Cố vấn Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Syria Ramzi Ezzeldin Ramzi gọi đây là cách tiếp cận đúng hướng, hỗ trợ cho các quá trình chính trị, đồng thời mở đường sơ tán thường dân không có vũ trang và tạo cơ hội hỗ trợ nhân đạo tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột. Trong khi đó, Phát ngôn viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc hoan nghênh thỏa thuận trên, khẳng định đây là hành động phù hợp với mục tiêu của một cuộc ngừng bắn toàn diện, được đề cập trong rất nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Không chỉ là một bước tiến mới trong tiến trình hòa bình tại Syria, thỏa thuận ngừng bắn còn cho thấy Mỹ và Nga có tiềm năng tìm được tiếng nói chung về vấn đề này, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố đây là bước đột phá và nhấn mạnh, thỏa thuận đạt được là do Washington đã có cách tiếp cận thực tế hơn trước các mục tiêu chung. Còn theo các quan chức ngoại giao Mỹ, chính quyền Tổng thống D.Trump hy vọng sự kiện này có thể là nền tảng cho hợp tác Nga - Mỹ ở các vùng xung đột khác nhằm hướng tới thỏa thuận hòa bình tại Syria và khởi đầu cho những cam kết rộng rãi hơn. Bước tiến khả quan tiếp theo rất có thể sẽ là một thỏa thuận tại khu vực xung quanh TP Raqqa, nơi quân đội Syria đang chiến đấu để xóa bỏ thành trì quan trọng nhất của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại nước này.

Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, trong vòng 24 giờ kể từ khi có hiệu lực, lệnh ngừng bắn về cơ bản đã được tuân thủ. Một vài xung đột nhỏ lẻ tại khu vực Tây Nam Syria đã được ghi nhận nhưng không làm ảnh hưởng tới thỏa thuận chung. Tuy nhiên, thách thức tiếp theo là giữ cho lệnh ngừng bắn hoạt động có hiệu quả và từ đó mở rộng ra các khu vực khác tại Syria. Bộ Ngoại giao Iran đã kêu gọi các nước áp dụng lệnh ngừng bắn ra toàn lãnh thổ Syria để hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình.

Thỏa thuận quốc tế mới nhất về vấn đề Syria mang lại cả hy vọng và sự hoài nghi. Người dân Syria cũng như cộng đồng quốc tế vẫn không ngừng đặt câu hỏi, liệu bước tiến hòa bình này có sụp đổ như những thỏa thuận khác trong quá khứ khi các bên tham gia liên tục đổ lỗi cho nhau về việc phá vỡ cam kết. Ngoài ra, không có cơ chế rõ ràng và công khai nào về cách thức thực thi ngừng bắn. Giới quan sát chỉ có thể hy vọng với sự cam kết và giám sát chặt chẽ của Nga và Mỹ, thỏa thuận sẽ đứng vững trong bối cảnh chưa rõ Chính phủ Syria và phe đối lập sẽ tuân thủ tới mức nào. Cùng với việc “đóng băng” cuộc xung đột, khu vực giảm leo thang căng thẳng cũng có nguy cơ biến thành một vùng đất tự trị độc lập nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ và trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhóm cực đoan, tạo ra mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Các chuyên gia nhận định, việc duy trì lệnh ngừng bắn mới phần lớn phụ thuộc vào các lực lượng bên ngoài đang hỗ trợ các phe đối lập nhau tại Syria. Mỗi bên đều có lợi ích nhất định và mục tiêu đó không phải lúc nào cũng phù hợp với mục tiêu chung là chấm dứt xung đột và đạt được một sự dàn xếp cả về mặt quân sự lẫn chính trị. Trong bối cảnh các cuộc hòa đàm về Syria ít tạo được đột phá, lệnh ngừng bắn được tuân thủ và thực hiện hiệu quả sẽ là điểm sáng lớn nhất trong tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này bởi không có giải pháp nào cho cuộc chiến là nhanh chóng và dễ dàng.

Mai Chi