Khu đô thị Đại Kim: Bất an vì thiếu nước sinh hoạt

Bạn đọc - Ngày đăng : 06:33, 13/07/2017

(HNM) - Từ hơn chục ngày nay, gần 800 hộ dân tại Khu đô thị Đại Kim (quận Hoàng Mai) sống trong cảnh bất an vì mất nước sinh hoạt, họ phải chung nhau mua nước từ xe téc, bình nước tinh khiết, tắm giặt nhờ nhà người thân...


Chấp nhận mua nước giá cao vẫn không đủ dùng

Sự việc diễn ra từ ngày 25-6-2017, nước sinh hoạt của các hộ dân tại Khu đô thị Đại Kim yếu dần và lúc có, lúc không khiến sinh hoạt bị đảo lộn. Một số hộ gia đình phải đi tắm giặt nhờ nhà người thân ở nơi khác. Nhiều người mua nước tinh khiết đóng bình 20 lít giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/bình để sinh hoạt hằng ngày; hoặc chung nhau mua nước với giá từ 1.000.000 đến 1.700.000 đồng một téc nước khoảng 7m3.

Ngày 3-7-2017, UBND phường Đại Kim có Công văn số 453/CV-UBND đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) tăng áp lực nước sinh hoạt tại Khu đô thị Đại Kim - Định Công và bố trí xe téc cung cấp nước. Đến chiều 4-7, Công ty Viwaco đã bơm tăng áp cho các hộ dân nhưng chỉ trong 10 phút. Công ty cũng bố trí xe téc cung cấp nước cho người dân nhưng chỉ số lượng quá ít không đáp ứng đủ nhu cầu.

Theo bà Đàm Thị Loan, Tổ trưởng tổ dân phố 2A (gồm nhà B1, B2, B3, B4, B5), bình thường người dân Khu đô thị Đại Kim phải trả tiền nước cao hơn 1,5 lần so với giá nước theo quy định. Cụ thể, 10m3 đầu giá 9.600 đồng/m3; từ 10m3 đến 20m3 giá 10.900 đồng/m3; từ 20m3 đến 30m3 giá 12.200 đồng/m3; từ trên 30m3 giá 20.600 đồng/m3. Trong khi giá quy định của UBND TP Hà Nội cho một mét khối nước lần lượt là 5.973 đồng; 7.052 đồng; 8.669 đồng; 15.929 đồng.

Dù vậy, ngay cả khi chấp nhận mua với giá cao thì người dân Khu đô thị Đại Kim vẫn không đủ nước để dùng. “Nếu tình trạng khan hiếm nước không được xử lý sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân vì giá mua nước quá đắt”, bà Đàm Thị Loan phản ánh.

Chờ đợi đến bao giờ?

Ông Trần Hữu Trúc, Chủ tịch UBND phường Đại Kim cho biết, việc mất nước đã xảy ra từ nhiều năm nay do khu vực Đại Kim ở cuối nguồn nên áp lực nước trong đường ống rất yếu. Khu đô thị Đại Kim sử dụng nước sạch của chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Khai thác và Quản lý dịch vụ Đô thị và Thương mại (Hanhud). Từ tháng 9-2012, công ty này ký hợp đồng mua bán, đấu nối với van tổng của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco).

Tuy nhiên, phía Công ty Viwaco cho biết, do đường ống cấp nước của Hanhud đang bị rò rỉ, thất thoát nước nên không đồng ý đơn giá theo quy định của UBND thành phố. Trước tình cảnh như vậy, người dân ở đây vẫn chấp nhận trả tiền nước cao hơn 1,5 lần để có nước dùng, song thực tế vẫn rơi vào tình trạng mất nước, thiếu nước.

Ngày 12-7-2016, UBND quận Hoàng Mai đã chủ trì họp bàn với các đơn vị liên quan, thống nhất chỉ định Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế kiến trúc xây dựng Việt Nam khảo sát, lập phương án thiết kế cải tạo, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sinh hoạt khu vực Đại Kim - Định Công. Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội có trách nhiệm thương thảo, ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế kiến trúc xây dựng Việt Nam. Tuy nhiên, đến ngày 10-7-2017, khi tình trạng mất nước ở khu vực ở mức nghiêm trọng thì các bên vẫn chưa thống nhất được phương án cải tạo hệ thống cấp nước sạch ở khu đô thị này.

Trong khi chờ đợi phương án cải tạo tổng thể hệ thống nước, ngày 17-4-2017, UBND quận Hoàng Mai đã cấp giấy phép đào hè - đào đường số 03/GPĐH cho phép Công ty Viwaco được phép thi công tuyến ống cấp nước, lắp đặt bơm tăng áp, bể chứa nước tại vỉa hè đường Nguyễn Công Thái. Dù vậy, niềm vui của người dân Khu đô thị Đại Kim “ngắn chẳng tày gang” khi ngày 9-6-2017, UBND quận Hoàng Mai lại có Công văn số 1496/UBND-QLĐT yêu cầu Công ty Viwaco tạm dừng thi công hạng mục trạm bơm tăng áp.

Nguyên nhân đưa ra, theo ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, là do Trường Quốc tế Việt Nam ISV kiến nghị việc thi công trạm bơm tăng áp (diện tích 24m2) gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của khu vực và hoạt động giảng dạy của nhà trường. Ông Hải cho biết, UBND quận đang phối hợp cùng các sở, ngành chức năng thống nhất nội dung liên quan để có cơ sở báo cáo UBND thành phố về việc này. Như vậy, công trình có được thực hiện tiếp hay không thì vẫn phải chờ đợi?

Theo quan sát của phóng viên, cũng như ý kiến của lãnh đạo và người dân phường Đại Kim, bể chứa 400m3 được thi công tại vỉa hè đường Nguyễn Công Thái hoàn toàn tách biệt với khuôn viên Trường Quốc tế Việt Nam ISV, cũng không ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực và công tác giảng dạy của nhà trường.

Hơn nữa, việc xây dựng bể chứa này là do Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất, UBND quận Hoàng Mai, phường Đại Kim và Công ty cấp nước thực hiện theo chủ trương chung nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sạch cho các hộ dân.

Vậy không có lý gì, một công trình bức thiết dân sinh, phục vụ cho nhiều người dân lại bị tạm dừng. Đến bao giờ người dân Khu đô thị Đại Kim mới chấm dứt cảnh thiếu nước, mất nước, phải mua nước với giá cao để sinh hoạt hằng ngày?

Kim Vũ