Hiện thực hóa thành phố thông minh
Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 13/07/2017
Để xây dựng "Thành phố thông minh", Hà Nội xác định đầu tiên phải xây dựng thành công chính quyền điện tử. Hướng đi được lựa chọn là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực nhằm tạo chuyển biến căn bản trong phương thức điều hành, quản lý, thúc đẩy cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các sở, ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, coi đây là bước đột phá nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng nghĩa với việc phục vụ nhân dân tốt hơn, nhanh hơn.
Từ mục tiêu đó, Hà Nội đang nỗ lực hoàn thiện các thành phần cơ bản của chính quyền điện tử Thủ đô gồm: Trung tâm dữ liệu nhà nước, mạng diện rộng (WAN), Cổng giao tiếp điện tử... Đặc biệt, thành phố đã đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Cho đến nay, tổng số thủ tục hành chính được cung cấp là hơn 2.500 thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng giao tiếp điện tử...
Không chỉ đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử, công nghệ thông tin được đưa vào nhiều lĩnh vực của đời sống như giáo dục, y tế, giao thông, du lịch để người dân trực tiếp là đối tượng thụ hưởng tiện ích. Cụ thể, từ tháng 9-2016, đã triển khai lắp đặt 34 trạm phát wifi miễn phí ở khu vực phố đi bộ Hồ Gươm và phụ cận. Trong lĩnh vực quản lý đô thị, đã thí điểm việc ứng dụng tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe tự động qua điện thoại di động iParking tại các điểm đỗ xe dưới lòng đường trên tuyến phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt.
Ở lĩnh vực y tế, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bước đầu đạt được kết quả khả quan. Để phục vụ nhân dân khám, chữa bệnh, một số bệnh viện trên địa bàn thành phố đã áp dụng thẻ khám chữa bệnh thông minh, thủ tục đăng ký khám bệnh qua điện thoại… Trong lĩnh vực giáo dục, việc xây dựng phần mềm sổ điểm điện tử trên điện thoại thông minh, phần mềm học bạ điện tử đã và đang tiếp tục được hoàn thiện...
Trước tình hình trật tự an toàn giao thông còn nhiều bất cập, vấn đề “giao thông thông minh” được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, một giải pháp về mặt công nghệ đã được thành phố “đặt hàng” Công ty cổ phần FPT nghiên cứu. "Giải pháp công nghệ sắp tới sẽ tích hợp, kế thừa hệ thống camera và thiết bị liên quan đến điều hành giao thông hiện có, tích hợp với camera giám sát của các cơ quan nhà nước và người dân để hỗ trợ công tác điều hành chung" - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết.
Cùng với phần mềm giao thông thông minh, Công an thành phố đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trang bị cho Cảnh sát giao thông điện thoại thông minh phù hợp để xử lý vi phạm giao thông. Trong tương lai không xa, lực lượng chức năng sẽ được trang bị thiết bị cầm tay thực hiện việc in hóa đơn phạt trực tiếp. Cảnh sát khu vực sẽ sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng để phục vụ công tác quản lý nhân, hộ khẩu, báo cáo các vụ việc xảy ra trên địa bàn và tiếp nhận chỉ đạo của Công an TP Hà Nội…
Ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện dịch vụ công đã được nhiều đô thị trên thế giới thực hiện và rất thành công. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với Hà Nội là cần áp dụng nhanh và đồng bộ, bắt kịp sự phát triển của công nghệ và nhu cầu của người dân.