Lương tăng, giá thị trường ổn định
Kinh tế - Ngày đăng : 06:56, 13/07/2017
Giá các mặt hàng thực phẩm trên thị trường thời gian qua khá ổn định. Ảnh: Anh Tuấn |
Không có tình trạng “té nước theo mưa“
Khảo sát tại các chợ Hôm - Đức Viên, Nguyễn Cao, Hàng Bè, Nguyễn Công Trứ, Thành Công… giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, rau xanh vẫn giữ ở mức ổn định, không thay đổi so với trước khi lương cơ sở tăng. Cụ thể, rau muống, rau cải, mồng tơi, rau ngót có giá 5.000 đồng/mớ; bắp cải 8.000 đồng/kg… Thịt bò từ 240.000 đến 280.000 đồng/kg, thịt lợn từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg, tôm lớn 220.000 đồng/kg, mực ống 150.000 đồng/kg, cá trắm đen 230.000 đồng/kg, cua đồng 150.000 đồng/kg, cá rô phi 45.000 đồng/kg, ếch 70.000 đồng/kg… Các tiểu thương đều cho rằng, thời buổi khó khăn, người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu, chỉ mua đủ dùng những mặt hàng thiết yếu hằng ngày, nếu tăng giá thì khó bán.
Bà Nguyễn Chi Mai (phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) cho biết, những ngày đầu cũng không khỏi lo ngại tình trạng khi lương cơ sở điều chỉnh tăng từ ngày 1-7 sẽ khiến giá cả thị trường “leo thang”, nhưng sau hai tuần đi chợ, giá các mặt hàng vẫn ổn định, thậm chí giá các loại rau xanh khá rẻ so với những đợt thời tiết bất thường. Chỉ có thịt lợn là tăng nhẹ.
Trong khi đó, tại các siêu thị như Big C, Co.opmart, Hapro, Intimex, Fivimart... giá các loại hàng hóa cũng giảm khi siêu thị thường xuyên triển khai các chương trình khuyến mãi lớn. Với mức giảm giá đến 50% đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đồ gia dụng, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống… các bà nội trợ tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại Big C Việt Nam cho biết, sức mua thấp, các siêu thị phải cạnh tranh nhau bằng chương trình khuyến mãi, giảm giá nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm.
Phân tích về khả năng ảnh hưởng của việc điều chỉnh lương lên giá cả, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, tình trạng “té nước theo mưa” thường xảy ra khi thiếu hàng, các tiểu thương găm hàng, đẩy giá. Còn hiện nay, các đợt tăng lương không liên tục như trước, mức tăng cũng rất thấp chỉ khoảng từ 5 đến 7%, tác động không đáng kể đến chỉ số giá. Trong khi, hàng hóa rất dồi dào, phong phú, nhưng sức mua lại thấp, nên các tiểu thương cũng phải nhìn vào sức mua để giữ khách.
Theo dõi sát diễn biến thị trường
Theo các chuyên gia kinh tế, nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình giá cả thị trường tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hay tăng giá đột biến và lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu. Dự báo, trong những tháng cuối năm, tổng cầu của nền kinh tế từng bước được cải thiện, giá hàng hóa có xu hướng tăng… nhưng sẽ không có biến động lớn.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ khó có biến động lớn về giá cả trong thời gian tới. Tuy nhiên, các ngành, địa phương vẫn phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung - cầu thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời có các giải pháp bảo đảm cân đối, bình ổn giá cả thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống như gạo, sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, thuốc chữa bệnh, điện, nước, xăng, dầu…
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đây là đợt điều chỉnh lương cơ bản cho nhóm công chức, viên chức, người lao động…, không có hiện tượng bù chi phí giá hàng hóa, nên giá cả thị trường sẽ ổn định, không có nhiều biến động. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, hiện tượng tăng giá theo lương vẫn có thể xảy ra ở một vài nơi.
Để hạn chế, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành chức năng theo dõi chặt chẽ; đồng thời chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra chống hiện tượng làm nhiễu thông tin, gây sức ép tâm lý, găm hàng tăng giá. Nếu phát hiện đối tượng lợi dụng việc tăng lương, tung thông tin thất thiệt, đầu cơ trục lợi… cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định.