Kết hợp quốc phòng với kinh tế là chủ trương nhất quán
Chính trị - Ngày đăng : 14:54, 13/07/2017
Bộ Quốc phòng thông tin về hoạt động quân sự, quốc phòng và xây dựng quân đội 6 tháng đầu năm 2017 |
Trả lời các câu hỏi liên quan đến việc quân đội làm kinh tế, Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) cho biết, thời gian qua, quân đội đã thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, sau khi được sắp xếp, doanh nghiệp quân đội giảm từ 305 doanh nghiệp (năm 2000) xuống còn 88 doanh nghiệp (năm 2016). Đến năm 2020, sẽ chỉ giữ lại 17 doanh nghiệp quốc phòng 100% vốn nhà nước. Nguyên tắc sắp xếp này tuân thủ theo các quy định của nhà nước và của Quân ủy Trung ương.
Theo Nghị quyết số 425-NQ/QUTW ngày 18-5-2017 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, những doanh nghiệp có nhiệm vụ quân sự quốc phòng, kết hợp lao động sản xuất, xây dựng kinh tế gắn chặt với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng sẽ được giữ lại, còn những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ hoặc những doanh nghiệp ít có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng sẽ được cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước.
Trong số các doanh nghiệp được cổ phần hóa, sẽ chỉ giữ lại 12 doanh nghiệp 50% vốn nhà nước, còn lại sẽ thoái hết vốn nhà nước. Những doanh nghiệp này khi có chiến tranh có thể được huy động cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Theo Cục Kinh tế, các doanh nghiệp quân đội đã thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Trong năm 2016, doanh thu của doanh nghiệp quân đội đạt 345.124 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 43.504 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 40.273 tỷ đồng; bảo đảm việc làm cho 181.367 lao động.
Liên quan đến vấn đề dùng đất quốc phòng làm kinh tế, Cục Kinh tế cho biết, việc sử dụng đất quốc phòng làm kinh tế vừa góp phần tăng cường nguồn thu cho quốc phòng, giải quyết chính sách hậu phương quân đội, vừa cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, tạo nguồn thu để tăng tiềm lực quốc phòng trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Việc sử dụng đất quốc phòng cũng góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, không đơn thuần chỉ đem lại nguồn thu cho quốc phòng. Đây là nhiệm vụ đã được Đảng và Nhà nước giao cho quân đội.
Trả lời câu hỏi quân đội làm kinh tế có phù hợp không, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế cho rằng, quân đội có nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế xuất phát từ bản chất, truyền thống lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thiếu tướng Võ Hồng Thắng khẳng định: "Ngay từ khi chưa có chính quyền, quân đội ta đã phải tự lực, tự cường, lao động, sản xuất để làm cách mạng. Sau khi giành được chính quyền, trong điều kiện đất nước muôn vàn khó khăn, quân đội vẫn phát huy tinh thần tự lực, tự cường để giảm gánh nặng cho ngân sách đất nước, xây dựng lực lượng. Kết hợp quốc phòng với kinh tế là chủ trương nhất quán trong các thời kỳ".
Ngày nay, sự nghiệp xây dựng đất nước phải song hành hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng để tăng tiềm lực bảo vệ Tổ quốc tốt hơn, bảo vệ Tổ quốc để góp phần xây dựng kinh tế phát triển mạnh hơn.
"Để thực hiện hai nhiệm vụ đó thì việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng là đương nhiên. Điều này đã được ghi trong chiến lược xây dựng kinh tế của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng được ghi trong Điều 68 Hiến pháp năm 2013", Thiếu tướng Võ Hồng Thắng nhấn mạnh.