Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Xã hội - Ngày đăng : 06:30, 14/07/2017
Nguyên nhân chủ yếu: Tập quán và môi trường
Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, trong 6 tháng đầu năm 2017, nhiều dịch bệnh như sốt xuất huyết, ho gà, viêm não vi rút, dại, liên cầu khuẩn lợn… đều gia tăng so với cùng kỳ năm 2016. Cả nước ghi nhận gần 6.800 ca lỵ trực khuẩn; 266 ca mắc ho gà, trong đó có 3 ca tử vong; gần 400 ca viêm não vi rút, có 10 ca tử vong; 35 ca tử vong do bệnh dại… Đáng lưu ý, bệnh liên cầu khuẩn lợn thường gia tăng vào dịp cuối năm do nhu cầu tiêu dùng thịt tăng cao. Tuy nhiên, mùa hè năm nay, bệnh này lại có chiều hướng tăng mạnh với 69 người mắc (tăng 40 trường hợp so cùng kỳ năm trước), trong đó có 4 người tử vong.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, thói quen ăn tiết canh sống, thực phẩm chưa được nấu chín, tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn, thiếu nước sạch… là nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh đường tiêu hóa: Lỵ trực khuẩn, tiêu chảy. Ngoài ra, do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường (nóng, ẩm, mưa nhiều), ô nhiễm môi trường, các vật chủ trung gian như muỗi phát triển và gây ra những bệnh truyền nhiễm. Mặt khác, sự giao lưu giữa các quốc gia, giữa các vùng trong cả nước; sự tập trung đông người tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch; học sinh, sinh viên từ các thành phố về quê nghỉ hè... cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.
Ngoài những bệnh dịch thông thường, Cục Y tế Dự phòng còn khuyến cáo về sự xuất hiện của 12 ca bệnh than (tăng 9 trường hợp so với năm 2016). Đây là một trong những căn bệnh hiếm gặp và thường cư trú ở khu vực đồng bào dân tộc của tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang. Đối với người mắc bệnh này, sau khi nhiễm khuẩn vài ngày sẽ xuất hiện những nốt phồng, tạo thành ổ loét có vảy hoại tử màu đen, xung quanh phù nề rộng… Đây là một căn bệnh rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. “Bệnh than chủ yếu xuất phát từ thói quen ăn uống, tập quán của người dân tộc và lây truyền từ động vật sang người. Có những trường hợp, gia súc mắc bệnh than phải giết, đem chôn và xử lý triệt để ổ dịch. Thế nhưng, có nơi, sau khi gia súc được tiêu hủy, người dân lại lấy lên ăn...” - PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo.
Riêng về dịch sốt xuất huyết, hiện cả nước đã ghi nhận gần 50.000 ca mắc, có 14 trường hợp tử vong. Trong đó, khu vực miền Bắc, số mắc tăng cao hơn 400%, miền Nam tăng 22,8%. Các trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết hầu hết không đến khám đúng chuyên khoa. Nhiều ca bệnh nặng mới vào cơ sở y tế chuyên khoa, cấp cứu không kịp. PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, người dân nào bị sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được làm các xét nghiệm, chẩn đoán, đưa ra hướng điều trị kịp thời. Người dân không tự ý dùng thuốc hạ sốt khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết.
Xử phạt nếu không hợp tác phòng dịch
Lo ngại lớn nhất của ngành Y tế vào thời điểm này là dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát ở nhiều nơi. Ngay tại Hà Nội, dịch sốt xuất huyết cũng đến sớm hơn so với mọi năm, với hơn 4.500 ca mắc, 1 ca tử vong. Nguyên nhân là thời tiết nắng nóng hơn, mưa đến sớm hơn, nhiều công trường xây dựng, bãi đất trống, tạo điều kiện cho ổ bọ gậy gây bệnh phát triển.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện chưa có đột biến về chủng vi rút gây bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam. Riêng vắc xin phòng, chống sốt xuất huyết đang được tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm tại Châu Mỹ. Tính miễn dịch của vắc xin này chưa cao nên việc ứng dụng còn dè dặt. Do đó, biện pháp phòng bệnh duy nhất vẫn là vệ sinh nơi ở, loại bỏ nước mưa, nước để tích trữ lâu ngày (là nơi cư trú và sinh sôi của muỗi vằn truyền bệnh). Gần đây, Hà Nội đã xử phạt hành chính ở mức cao nhất với một hộ dân không hợp tác phòng, chống dịch. Các địa phương khác cũng cần có chế tài xử lý kiên quyết như Hà Nội để người dân có ý thức phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát và xử lý các ổ dịch, bệnh truyền nhiễm.
Không riêng sốt xuất huyết, để phòng, chống các dịch bệnh trong mùa hè có hiệu quả, ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, thời gian tới, y tế các địa phương cần kiện toàn, tăng cường các hoạt động của đội chống dịch cơ động, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan. Mặt khác, các cơ sở điều trị bảo đảm nhân lực, thuốc men, điều trị kịp thời cho người bệnh; đồng thời phân loại bệnh, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Ngành Y tế sẽ tăng cường các điểm tiêm phòng để người dân dễ dàng tiếp cận, cũng như đa dạng hóa nguồn cung cấp vắc xin, bảo đảm cung cấp đầy đủ, phấn đấu không còn "vùng lõm" về tiêm chủng.