Tiếp sức cho TPP

Thế giới - Ngày đăng : 06:31, 14/07/2017

(HNM) - Các đại diện từ 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khởi động vòng đàm phán mới tại Hakone (tỉnh Kanagawa, Nhật Bản) hôm 12-7 để thảo luận việc đưa hiệp định vào thực thi, dù không có sự tham gia của Mỹ.

Cuộc gặp kéo dài hai ngày là sự tiếp nối cuộc họp cấp bộ trưởng các nước TPP, được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Việt Nam hồi tháng 5. Các bên đã nhất trí cố gắng đạt được đồng thuận trước tháng 11-2017 để hiệp định chính thức có hiệu lực.

Ngoài cuộc họp chung, đại diện Nhật Bản cũng tổ chức các cuộc đàm phán song phương với các nước thành viên TPP.


Được ký kết vào tháng 2-2016 với sự tham gia của Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, TPP bao phủ một khu vực rộng lớn, chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù Mỹ giữ vai trò dẫn dắt việc đàm phán, ký kết hiệp định, nhưng ngay khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP, chuyển hướng sang ký kết các hiệp định thương mại song phương. Động thái gây bất ngờ trên đã đẩy các nước còn lại vào thế khó. Chiếu theo quy định hiện hành, để TPP được thực thi phải có ít nhất 6 quốc gia (chiếm 85% GDP của 12 nước ban đầu) ký hiệp định chính thức thông qua thỏa thuận. Việc Mỹ, vốn chiếm gần 62% tổng GDP của cả nhóm, bất ngờ rút lui đã khiến thỏa thuận đứng trước nguy cơ sụp đổ. Vì thế, ngay từ phiên thảo luận trong ngày làm việc đầu tiên, những nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand… đều nêu rõ lập trường cần phải điều chỉnh lại những điều kiện trong TPP khi không có sự tham gia của Mỹ. Bản thân Nhật Bản, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất trong nhóm sau khi Mỹ rút lui, cũng đề nghị các nước tham gia nỗ lực hợp tác để có thể thực hiện hiệp định sớm. Tuy nhiên, trong khi đại diện nước này đề cập tới mong muốn tìm cách đưa Mỹ trở lại TPP và duy trì mọi điều khoản đã thống nhất từ trước, đại diện một số nước khác lại bày tỏ hy vọng sẽ đạt được tiến bộ trong việc tìm kiếm một thỏa thuận thay thế TPP mà không cần sự tham gia của Mỹ (thường được gọi là "TPP 11" hoặc "TPP 12-1"). Mặt khác, nhiều bên vẫn muốn thương thảo thêm về một vài mảng nội dung trong hiệp định hiện nay như các thỏa thuận thương mại, quy định đầu tư… hoặc thể hiện sự chần chừ do thiếu vắng Mỹ. Tính tới nay, mới chỉ có Nhật Bản và New Zealand đã hoàn tất việc phê chuẩn tham gia TPP.

Cuộc đàm phán mới nhất, tập trung vào phương thức đánh giá tác động ban đầu đối với mỗi quốc gia sau khi TPP có hiệu lực và một số quy định trong các bộ luật quốc tế, diễn ra trong bối cảnh tự do hóa thương mại trên thế giới có những dấu hiệu phát triển tích cực. Nhật Bản mới đây cũng đã đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU) sau 4 năm đối thoại, tạo ra một thị trường với 640 triệu dân và chiếm gần 33% nền kinh tế toàn cầu. Trong các phiên thảo luận, đại diện các nước TPP cũng cho rằng, động thái đáng mừng này có thể là yếu tố góp phần thuyết phục Mỹ quay lại với hiệp định. Tuy nhiên, những rào cản để nền kinh tế lớn nhất thế giới thay đổi quyết định là khá lớn, từ vấn đề việc làm cho người Mỹ đến bảo hộ thương mại cho các doanh nghiệp mà Tổng thống D.Trump đang theo đuổi.

Nhìn chung, vòng đàm phán tại Nhật Bản của các thành viên TPP được xem là một bước đi tích cực, thể hiện rõ quyết tâm xây dựng một khu vực thương mại tự do chung trước thềm APEC 2017. Những nỗ lực này sẽ được định hình rõ nét hơn trong cuộc gặp tiếp theo giữa các bên, dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới, nhằm tiếp thêm sức sống cho một trong những hiệp định thương mại được kỳ vọng nhất trong thế kỷ XXI.

Hoàng Linh