Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Đời sống - Ngày đăng : 08:03, 15/07/2017

(HNM) - Với quy mô đến năm 2020 là 300.000m3/ngày - đêm, dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng sẽ góp phần bổ sung nguồn cấp nước đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đang khiến tiến độ của dự án bị chậm so với kế hoạch.


Vướng giải phóng mặt bằng

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng (huyện Đan Phượng), do Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng làm chủ đầu tư, có công suất 300.000m3/ngày - đêm, với tổng mức đầu tư 3.692,3 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn I đến năm 2018, vận hành và kinh doanh nhà máy với công suất 150.000m3/ngày - đêm. Trong giai đoạn này, sẽ xây dựng công trình và trạm thu, trạm bơm cấp I đạt công suất 300.000m3/ngày - đêm (lắp đặt thiết bị 150.000m3/ngày - đêm); lắp đặt tuyến nước thô; xây dựng dây chuyền công nghệ xử lý và các công trình phụ trợ. Giai đoạn II đến năm 2020, lắp đặt thiết bị công trình thu; xây dựng thêm công trình xử lý, nâng tổng công suất nhà máy lên 300.000m3/ngày - đêm.

Với nhiều nhà máy nước sạch đang xây dựng, người dân Khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì) sẽ không còn thiếu nước sinh hoạt khi mùa hè đến. Ảnh: Lê Tuấn



Đầu tháng 3-2017, Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng đã đề xuất thời gian khởi công dự án là ngày 27-4-2017. Song theo bà Trần Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng, tiến độ thực hiện dự án đã phát sinh một số vướng mắc. Hiện nhà đầu tư đã chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân trong phạm vi xây dựng của dự án; đang xác định diện tích trồng lúa chuyển mục đích phi nông nghiệp, xác định đơn giá thu tiền thuê đất và số tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa phải nộp. Về hạng mục di chuyển mồ mả, nhà đầu tư đã hoàn thành di chuyển các ngôi mộ có chủ trong khu vực dự án. Đến cuối tháng 6-2017, vẫn còn 851 ngôi mộ vô chủ, trong đó có 848 ngôi phát hiện trong quá trình bóc lớp đất hữu cơ.

Ngoài ra, tuyến ống nước thô và tuyến ống truyền dẫn nước sạch có chiều dài hơn 31km của dự án trải dài qua 3 huyện, 12 xã nên công tác giải phóng mặt bằng cần nhiều thời gian, cần sự hỗ trợ của các sở, ngành liên quan. Đơn cử, để chuẩn bị cho việc giải phóng mặt bằng, Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường xin hướng dẫn cắm mốc, xác định ranh giới và bàn giao mốc giới, nhưng do cơ chế thu hồi đất và trưng dụng đất theo tuyến chưa thống nhất nên đến nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.

Vị trí xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng; vị trí xây dựng công trình thu tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp nước cho khu vực phía Nam sông Hồng, bao gồm đô thị trung tâm Hà Nội (các quận) và các khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc khu vực phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc đường quốc lộ 32 thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng và hỗ trợ cấp nước cho huyện Hoài Đức.

Giao các sở khẩn trương giải quyết

Liên quan đến việc di chuyển mộ vô chủ, UBND huyện Đan Phượng cho biết, huyện đã có Tờ trình gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cấp kinh phí xây dựng công trình giao thông và mở rộng Nghĩa trang nhân dân thôn Hữu Cước (xã Liên Hồng) phục vụ việc di dời mộ vô chủ, nhưng đến nay thành phố chưa bố trí được. Vì vậy, việc cam kết di chuyển các ngôi mộ vô chủ, hoàn trả các tuyến đường nội đồng và kênh tiêu thoát nước chưa thể thực hiện theo kế hoạch.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng, đầu tháng 7 vừa qua, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, yêu cầu các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Đan Phượng khẩn trương giải quyết các thủ tục liên quan theo đề nghị của Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng; kịp thời báo cáo UBND thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, việc sớm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng sẽ giúp thành phố sớm được bổ sung nguồn cấp nước sạch phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai. Thành phố sẽ triển khai xây dựng, nâng công suất các nhà máy sử dụng nước mặt sông Đà, sông Đuống, sông Hồng và xây dựng các trạm cấp nước nông thôn; đồng thời xây dựng mạng lưới truyền dẫn cấp nước đồng bộ, khép kín; mở rộng mạng lưới cấp nước tập trung ra các khu vực nông thôn...

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện vào thời gian cao điểm mùa hè, nhu cầu dùng nước tăng 12% so với ngày thường, do đó lượng nước sạch cấp cho khu vực đô thị có nguy cơ thiếu hụt khoảng 60.000 - 90.000m3/ngày - đêm.

Trung Hiếu