Nỗ lực để công tác tuyên giáo “đi trước một bước”

Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 16/07/2017

(HNM) - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, ngành Tuyên giáo Hà Nội sẽ quyết liệt đổi mới để công tác tuyên giáo thực sự “đi trước một bước”.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.


Phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và thời điểm

- Đồng chí có thể cho biết về sự cần thiết của Nghị quyết 15-NQ/TU trong bối cảnh hiện nay?

- Nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ngày càng đặt ra yêu cầu cao đối với chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng nói chung, nhất là ở địa bàn dân cư. Nhiều vấn đề phát sinh từ cơ sở đã ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các địa phương. Trong đó, nguyên nhân từ sự yếu kém của tổ chức cơ sở Đảng có vai trò quan trọng; vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu ở cơ sở cũng góp phần không nhỏ. Với cơ quan tuyên giáo các cấp, nhiều trường hợp nắm bắt tình hình ở cơ sở chưa kịp thời, công tác tham mưu có lúc, có nơi kém đầy đủ, thiếu chính xác, thậm chí còn lúng túng, bị động. Trong khi đó, chúng ta đang phải đối mặt với sự chống đối của các thế lực thù địch một cách hết sức tinh vi, quyết liệt. Chúng lợi dụng những vấn đề dù là nhỏ nhất để tìm mọi cách chuyển hóa những vấn đề kinh tế - xã hội thành vấn đề chính trị.

Trong tình hình đó, Nghị quyết 15-NQ/TU được ban hành càng có ý nghĩa cấp thiết. Đây là cơ sở để triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố tổ chức Đảng yếu kém, gắn với giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn của Hà Nội.

- Ban Tuyên giáo Thành ủy và ngành Tuyên giáo Hà Nội sẽ triển khai nhiệm vụ, giải pháp gì trong Nghị quyết 15-NQ/TU, thưa đồng chí?

- Nghị quyết đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó ngay nhóm thứ hai đã trực tiếp liên quan đến ngành Tuyên giáo, đó là “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng”. Thành ủy yêu cầu phải đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tiếp tục khẳng định, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng là giải pháp rất quan trọng, phải luôn đi trước một bước, không ngừng đổi mới phương pháp và nội dung để nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời ngăn ngừa sai phạm; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây là nội dung chính yếu mà ngành Tuyên giáo thành phố sẽ tập trung xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

- Đồng chí có thể cho biết những công việc quan trọng nào sẽ được triển khai trước để thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU?

- Chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng ngay quy trình tuyên truyền xử lý “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với mục tiêu tạo ra một “cẩm nang” để cán bộ ngành Tuyên giáo Hà Nội khắc phục tình trạng lúng túng, từ đó chủ động tham mưu cấp ủy giải quyết những vấn đề "nóng", những vụ việc phức tạp mới hình thành. Quy trình này sẽ chỉ rõ những việc cụ thể cần làm như: khi có sự việc xuất hiện thì cán bộ tuyên giáo phải làm gì đầu tiên, báo cáo ai, phối hợp với cơ quan nào…

Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng yêu cầu cơ quan tuyên giáo các cấp phải tăng cường khả năng nắm bắt, dự báo tình hình để kịp thời tham mưu với cấp ủy các biện pháp ngăn ngừa, hạ nhiệt các “điểm nóng”. Những nơi có vụ việc phức tạp đang tồn tại, chúng tôi yêu cầu ban tuyên giáo ở đó phải thường xuyên nắm bắt tình hình, có kế hoạch tham gia giải quyết tích cực, phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao; cũng như thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả xử lý về Ban Tuyên giáo Thành ủy để có chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ cùng cấp ủy địa phương giải quyết nhanh, hiệu quả từng vụ việc. Ngành Tuyên giáo sẽ nỗ lực để công tác tuyên giáo thực sự “đi trước một bước”.

Đánh giá đúng những hạn chế để quyết tâm khắc phục

- Trong hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017 vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã thể hiện thái độ rất thẳng thắn khi nhìn nhận, đánh giá về những thách thức đặt ra, những hạn chế và những vấn đề mà ngành Tuyên giáo Hà Nội đã, đang và sẽ phải đối mặt. Đồng chí có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Điều giúp chúng ta tiến bộ chính là đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém và đồng lòng, quyết tâm khắc phục. Trước tiên, chúng tôi phải khẳng định, từ đầu năm đến nay, công tác tuyên giáo trong Đảng bộ thành phố đã đổi mới, có chiều sâu hơn, chuyển biến mạnh về nội dung và phương thức công tác. Đứng trước nhiều công việc quan trọng, ngành Tuyên giáo thành phố đã chủ động tham mưu, tích cực tạo đồng thuận và định hướng được dư luận, góp phần quan trọng giữ vững tình hình an ninh tư tưởng, chính trị, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác tuyên giáo cũng đã hướng mạnh về cơ sở với nhiều kết quả rõ nét.

Tuy nhiên, với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”, chúng tôi đã chỉ ra hàng loạt hạn chế, yếu kém cần chú trọng khắc phục. Đó là tính nhạy bén chính trị, khả năng nắm bắt thực tiễn, dự báo tình hình của chúng ta đối với một số địa bàn, lĩnh vực còn chậm. Chính vì thế, việc tham mưu chưa thực sự trúng và đúng, còn làm theo kiểu máy móc, hành chính, thậm chí có hiện tượng né tránh, sợ trách nhiệm. Có vụ việc xảy ra ở địa phương, thông tin lan tràn trên mạng interrnet 3-4 ngày rồi, nhưng khi được hỏi, cán bộ ở đó vẫn không nắm được, hoặc khi biết còn cho thấy sự chủ quan. Thứ hai, một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên giáo, chưa coi công tác tuyên giáo phải “đi trước một bước”, ngày càng giữ vai trò rất quan trọng trong điều kiện xã hội bùng nổ thông tin và thông tin tốt, xấu đan xen như hiện nay. Không ít đồng chí bí thư cấp ủy gần như không trực tiếp truyền đạt chỉ thị, nghị quyết; không làm việc trực tiếp với ban tuyên giáo về những vấn đề bức xúc, nổi cộm. Do đó, khi có sự việc xảy ra, cách thức giải quyết của một số cơ quan tuyên giáo cấp ủy hết sức bị động, chỉ xử lý mang tính chất vụ việc hay nói cách khác: Bị đi sau, nói lại. Khi đối tượng xấu đã chiếm được không gian, trận địa trên mạng, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, còn có hiện tượng cơ quan tuyên giáo cấp ủy lựa chọn chưa đúng vấn đề trọng tâm, trọng điểm, còn “rải mành mành” trong công tác tuyên giáo, né tránh việc khó…

- Ngành Tuyên giáo thành phố sẽ khắc phục những hạn chế, yếu kém này ra sao, thưa đồng chí?

- Chúng tôi đã thống nhất là dứt khoát phải đổi mới phương thức công tác, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm công tác trong từng thời điểm, phù hợp với từng địa bàn, đơn vị. Trước mắt là tập trung bồi dưỡng cán bộ, công chức của ngành, bắt đầu tiến hành ngay trong tháng 7 và các tháng sau. Ngành Tuyên giáo cũng sẽ đổi mới công tác thi đua khen thưởng, đánh giá tập thể, cá nhân theo hướng thực chất hơn, đúng người, đúng việc, bám sát vào kết quả công tác, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trọng điểm của thành phố, trong đó có thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU. Nếu cuối năm nay, kết quả đánh giá, xếp loại các tập thể, cá nhân ngành Tuyên giáo Hà Nội không được cao như những năm trước, tôi nghĩ rằng cán bộ cấp ủy và cán bộ trong ngành cũng cần hết sức chia sẻ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tăng cường phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nội dung của công tác tư tưởng. Chúng tôi rất mong, cấp ủy các cấp quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên giáo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp công tác giữa cơ quan tuyên giáo và chính quyền cùng cấp; đầu tư xứng đáng về con người và cơ sở vật chất, giúp cơ quan tuyên giáo của mình thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

- Một trong những nhiệm vụ thường xuyên, được đánh giá cao mà Ban Tuyên giáo Thành ủy đã triển khai là tổ chức hội nghị giao ban thông tin báo chí hằng tuần. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần đổi mới hơn nữa công tác này?

- Điều này là rất cần thiết và Ban Tuyên giáo Thành ủy đang nỗ lực để đổi mới hơn nữa cách thức, hình thức và chất lượng, hiệu quả cung cấp thông tin cho báo chí. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để việc tham dự và cung cấp thông tin cho báo chí của cá nhân, tập thể các cơ quan, đơn vị chức năng thành phố trở thành “nhiệm vụ bắt buộc”. Công tác tuyên giáo nói chung, công tác cung cấp thông tin cho báo chí, tuyên truyền cho nhân dân phải thực sự “đi trước một bước”, phải chiếm lĩnh nhanh nhất “trận địa tư tưởng” trên môi trường mạng…

- Xin cảm ơn đồng chí!

Võ Lâm