Chậm giải ngân vốn đầu tư công: "Điểm nghẽn" của nền kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 06:44, 16/07/2017

(HNM) - Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, sau 6 tháng đầu năm 2017, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước mới đạt 29,5%.

Việc giải ngân kịp thời vốn đầu tư công sẽ giúp đẩy nhanh các dự án đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất và tạo việc làm cho người lao động. Ảnh: Sơn Hà


Chậm giải ngân, địa phương gặp khó

Sáu tháng đầu năm 2017, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước mới đạt 29,5%. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, về nguồn vốn trái phiếu chính phủ, kế hoạch mới giao được 10,4% dự toán, tiến độ giải ngân nguồn vốn này chỉ đạt khoảng 1,8% dự toán, kém xa so với cùng kỳ. Được biết, cùng kỳ năm 2016, giải ngân từ vốn trái phiếu chính phủ đã đạt 21,8% dự toán.

Theo phân tích của Bộ Tài chính, việc chậm trễ giải ngân là do công tác phân bổ dự toán muộn. Thậm chí tính đến hết tháng 4-2017, vẫn còn tới 3.600 tỷ đồng chưa giao kế hoạch. Nguyên nhân là một số dự án chưa bảo đảm thủ tục đầu tư theo quy định, hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu,...

Nêu ý kiến về việc giải ngân vốn đầu tư công với tốc độ… rùa bò, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, việc quyết định bố trí vốn năm 2017 được tiến hành muộn nên khó giải ngân. Thậm chí, tới 28-4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có quyết định giao vốn cho Đà Nẵng.

Tại cuộc họp Tổ công tác của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vừa diễn ra đầu tháng 7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2017, không bao gồm vốn trái phiếu chính phủ là 307.150 tỷ đồng thì đến hết tháng 6, số vốn còn lại chưa giao là trên 4.000 tỷ đồng. Khó khăn hiện nằm ở việc giao vốn trái phiếu chính phủ. Tổng vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ năm 2017 là 66.485 tỷ đồng, bao gồm 50.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch năm 2017 và 16.458 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư năm 2016 được Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2017. Qua 6 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao được 5.197 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2017, bằng 10,4%. Còn vốn trái phiếu chính phủ chuyển nguồn mới giao được hơn 6.200 tỷ đồng, bằng 38,2% kế hoạch năm.

Nguyên nhân chậm giao vốn trái phiếu chính phủ là chế độ quy định, điều kiện để bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm cho dự án khởi công mới phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 30-10 của năm trước năm kế hoạch. Nhưng trên thực tế, các dự án khởi công mới đề xuất bố trí kế hoạch năm 2017 bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ đều có quyết định đầu tư sau ngày 31-10-2016.

Xác định rõ trách nhiệm

Nhận xét về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công quá chậm trong 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá đây là một trong những điểm yếu đáng lưu ý của cơ quan chức năng. Điều này có tác động tiêu cực tới sản xuất, thu ngân sách và cả thu nhập người lao động. Theo Phó Thủ tướng, nếu tính cả vốn năm trước chuyển sang năm nay thì hiện đang có khoảng 300.000 tỷ đồng tồn đọng. Đây là nguồn “vốn mồi” để huy động thêm nguồn lực từ xã hội. Bởi vậy, nếu khoản 300.000 tỷ đồng này được giải ngân, nền kinh tế thậm chí có thể có thêm khoảng 1 triệu tỷ đồng. Con số này rất lớn bởi GDP từ đầu năm tới nay cũng chỉ khoảng 2 triệu tỷ đồng. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chính, Bộ Tài chính cũng có một phần trách nhiệm.

Làm rõ hơn về việc giao vốn chậm trễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, muốn giải ngân thì trước hết phải giao được vốn. Sau khi giao vốn, các đơn vị còn một loạt khâu phải thực hiện như đấu thầu, chọn nhà thầu, xây dựng rồi mới thanh toán vốn. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tiến độ giao vốn quá chậm. Tình hình này không mới diễn ra trong năm nay mà đã xuất hiện từ năm ngoái. Riêng với vốn từ trái phiếu chính phủ theo kế hoạch là 50.000 tỷ đồng thì hiện mới giao được 5.000 tỷ đồng. Với tiến độ ấy, việc giải ngân chưa chắc có thể xong trong năm nay. Thừa nhận ngành Tài chính có một phần trách nhiệm trong phối hợp giải ngân vốn, song Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, nếu các đơn vị đủ hồ sơ thì có thể được giải ngân trong một ngày. Riêng khoản 50.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ nếu không giao hết sẽ đề nghị cắt, bởi “đã giao đâu mà triển khai”.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các thủ tục đầu tư còn nhiều bất cập, nhiều quy định chồng chéo gây khó khăn cho công tác giải ngân vốn đầu tư. Ông Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đi đôi với tăng cường kỷ cương, chấp hành nghiêm túc quy định về đầu tư công. Bên cạnh đó, cần xem xét rút ngắn thời gian gia hạn vốn đầu tư năm 2016 được thực hiện chậm nhất trước tháng 9-2017 đối với các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chuyển...

Tại cuộc họp Tổ công tác của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm đánh giá tình hình thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-7. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghị định theo hình thức rút gọn; thực hiện công bố công khai các bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân trong việc thiếu trách nhiệm, trì trệ, gây cản trở đối với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. “Nếu cần thiết sẽ yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra để làm rõ trách nhiệm của ai giao vốn chậm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Đức Anh