Gỡ “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng

Đời sống - Ngày đăng : 06:43, 17/07/2017

(HNM) - Tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án, công trình trọng điểm còn chậm so với kế hoạch đề ra. Để gỡ những


Nhiều chính sách được tháo gỡ kịp thời

Theo ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố, thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU (ngày 15-9-2016) của Ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tại các dự án trên địa bàn thành phố và được sự ủy quyền, phân cấp cho UBND cấp huyện trong công tác giải phóng mặt bằng, các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc quyết liệt. Với sự chỉ đạo cụ thể, kiên quyết như Bí thư cấp ủy các cấp chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên; chủ tịch cấp huyện trực tiếp chỉ đạo toàn diện việc triển khai thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng đã có chuyển biến mạnh, đạt hiệu quả cao.

Về cơ chế, chính sách chung trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, thành phố cũng ban hành nhiều văn bản mới để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân như: Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND (ngày 29-3-2017), quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của thành phố về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố; Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND (ngày 31-3-2017), về việc ban hành quy định một số nội dung về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội...

Tuy nhiên, theo ông Trương Quang Thiều, việc đôn đốc tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng được yêu cầu; tiến độ các dự án, công trình trọng điểm còn chậm so với kế hoạch đề ra; một số dự án gặp khó khăn nên đã kéo dài thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng như dự án Vành đai 2 - đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, tuyến đường sắt thí điểm đô thị Hà Nội (tuyến 3) đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (phần ga ngầm). Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có lý do là quỹ nhà, đất tái định cư còn thiếu, bố trí chưa kịp thời; vị trí tái định cư chưa thuận lợi cho người dân...

Theo ông Nguyễn Thiết Cương, Phó Giám đốc Chi nhánh phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai, một khó khăn nữa là do người dân có đơn thư, ý kiến thắc mắc liên quan đến khung giá đền bù giải phóng mặt bằng; một số nhà tái định cư được thành phố thỏa thuận cho quận nhưng chưa hoàn thiện để bàn giao, hoặc chất lượng chưa tốt, giá nhà còn cao… dẫn đến khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành theo quy định.

Tập trung giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Theo Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố, để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, các đơn vị, quận, huyện, thị xã cần bám sát danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2017 đã được HĐND thành phố thông qua (869 công trình, dự án thu hồi đất, với diện tích 2.748ha) và các dự án của trung ương, các dự án chuyển tiếp của địa phương đang triển khai giải phóng mặt bằng.

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng tại các dự án trọng điểm như: Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - Phạm Văn Đồng), Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã tư Vọng), dự án đường sắt đô thị tuyến 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội), Khu công nghệ cao Hòa Lạc... Nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trên, đơn vị chức năng sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo các quy định mới bổ sung đã được Chính phủ ban hành đến tất cả các địa phương.

Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành trong việc tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và chủ đầu tư về các cơ chế, chính sách để phấn đấu mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trong năm 2017.

Tính đến cuối tháng 6-2017, trên địa bàn thành phố đã phê duyệt 13.955/10.564 phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của năm 2016 (tăng 32%); số tiền bồi thường, hỗ trợ là 6.333/2.767 tỷ đồng (tăng 128%); xét tái định cư cho 606/187 trường hợp năm 2016 (tăng 224%); nhận bàn giao mặt bằng được 496/402ha đất năm 2016 (tăng 23%)...

Thanh Hải