Hiệu quả là căn cứ đánh giá

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:21, 18/07/2017

(HNM) - Làn sóng đầu tư, khởi nghiệp đang diễn ra sôi động, chất lượng và đi vào chiều sâu. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế. Đồng hành với đó là mức tăng trưởng tín dụng được đánh giá ở mức hợp lý, đủ điều kiện bảo đảm “sức khỏe tốt” cho nền kinh tế và doanh nghiệp.


Sự sôi động và chất lượng thể hiện qua những con số ấn tượng trong 6 tháng đầu năm như số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,4%, với vốn đăng ký tăng gần 40% so với cùng kỳ. Kết quả còn được thể hiện ở số vốn đăng ký bổ sung, số doanh nghiệp hoạt động trở lại; niềm tin của doanh nghiệp… “Tiếp sức” cho quá trình này, nguồn tín dụng tăng trưởng cũng là một trong những cơ sở bảo đảm cho doanh nghiệp mở rộng cơ hội đầu tư phát triển. Mối quan hệ có tính chất tương hỗ trên càng bền chặt, nền kinh tế phát triển sẽ càng bền vững.

Nhìn nhận tổng thể “bức tranh tăng trưởng”, có thể khẳng định, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; chính sách phát triển của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ban hành thời gian qua đã đúng hướng và thực sự được người dân và doanh nghiệp đón nhận.

Với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã từng bước xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thân thiện; khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư. Chính phủ đã và tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ theo hướng cởi mở, trao thêm nhiều cơ hội cho mọi thành phần kinh tế tham gia. Điều cần bàn thêm ở đây là, kết quả trên - phản ánh rõ nét sự chuyển động trong thu hút vốn đầu tư phát triển khu vực ngoài nhà nước - chính là nhờ quyết tâm hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước coi “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế”.

Kết quả đạt được là bước khởi đầu quan trọng và để bảo đảm một tương lai vững chắc hơn, cần quyết tâm lớn hơn nữa từ các bộ, ngành và địa phương. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã nêu rõ quan điểm: Xóa bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn và đất đai, cơ hội kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Tăng cường tính minh bạch và kiểm soát độc quyền kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Căn cứ đánh giá quyết tâm ấy của các bộ, ngành, địa phương chính là ở hiệu quả thực hiện những quan điểm này.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước cũng phải theo kịp sự phát triển, không vì chưa quản lý được mà chúng ta hạn chế hoặc gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tận dụng thời cơ, tạo nên làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, chất lượng trong giới trẻ hiện nay.

Ở chiều ngược lại, từ phía các chủ thể đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp - bản thân các doanh nghiệp cũng cần minh bạch trong sản xuất, kinh doanh; có trách nhiệm cao với nguồn vốn đầu tư, với người lao động và toàn xã hội.

Chí Kiên